Lực chốt lời ngắn hạn vẫn còn

Nếu căn cứ vào diễn biến của chỉ số đại diện là VN-Index, thì hôm nay bước sang phiên T+4 của thị trường kể từ khi chạm đáy. Lực chốt lời ngày T+3 trước kỳ nghỉ không tạo ảnh hưởng nhiều, nhưng hôm nay lại khác, khi nhà đầu tư cũng lùi giá mua và dòng tiền có phần suy yếu.

Với số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,2 lần số tăng, thị trường dĩ nhiên là tiêu cực và nhiều cổ phiếu gây tổn thất. Tuy nhiên nếu là nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn, rất nhiều cổ phiếu bán giá hôm nay vẫn có lời.

Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán lao dốc, dòng tiền vòng sang cổ phiếu nhỏ
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Lấy ví dụ với nhóm VN30, những cổ phiếu giảm giá sâu nhất và khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất, phần lớn cổ phiếu bắt đáy ngay cả ở mức giá cao nhất hôm 26/4 thì vẫn có lời. 10 mã ngay cả khi chốt giá đóng cửa cuối phiên này thì vẫn đạt lợi nhuận trên 1%, nếu bán giá buổi sáng thì còn tốt hơn vì hầu hết cổ phiếu blue-chips tạo giá đỉnh cuối phiên sáng.

Nhóm cổ phiếu tài chính trừ bảo hiểm, bao gồm ngân hàng và chứng khoán sụt giảm mạnh nhất. TCB lao dốc 4,55% so với tham chiếu, nhưng nếu bắt đúng đáy thì vẫn đang lãi khoảng 8%. VIB đóng cửa giảm 6,05%, so với giá đáy T+4 vẫn còn cao hơn 8,4%. Tuy nhiên cũng có cổ phiếu như TPB đã phá đáy và gây lỗ toàn bộ, EIB, PGB gần hết lãi. Nhìn chung mức độ điều chỉnh của cổ phiếu ngân hàng chưa phải là quá tiêu cực, vẫn nằm trong biên độ biến động ngắn hạn T+ bình thường. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch, có 13 mã đóng cửa dưới tham chiếu từ 2% trở lên.

Cổ phiếu chứng khoán cũng bị ảnh hưởng rất mạnh với hàng chục cổ phiếu giảm trên 2%. Nhiều mã như SSI, HCM, VCI ngấp nghé phá đáy. Một vài mã nhỏ giảm cực mạnh như ART giảm sàn 9,59%, ORS giảm 6,63%, BVS giảm 6,59%, FTS giảm 6,45%, CSI giảm 6,05%...

Ngược lại, cũng có những cổ phiếu giữ đà tăng tốt. Dầu khí là ví dụ nổi bật khi giá dầu đang neo cao, cộng với kết quả kinh doanh tốt vừa công bố trong dịp nghỉ lễ. GAS hôm nay tăng 1,89%, PVS tăng 4,07%, PVC tăng 4,98%, PLX tăng 1,35%, PVD tăng 0,99%... Nhóm bất động sản nhỏ cũng xuất hiện những cổ phiếu rất mạnh như VCG kịch trần tăng 7%, FCN tăng 5,67%, HQC tăng 2,21%, NVT tăng 6,78%... Các mã này vượt qua lực bán ngắn hạn khá dễ dàng và còn tăng cao hơn.

Dòng tiền vẫn thận trọng

Thị trường đã không thể có thêm một phiên bùng nổ theo đà hôm nay. Ngay trước kỳ nghỉ lễ dài, lực bán rất nhỏ phần nào thể hiện mức độ kỳ vọng lớn, rằng thị trường sẽ nối tiếp đà đi lên. Tuy nhiên hôm nay thanh khoản lại quá thấp, cho thấy nhà đầu tư vẫn thiếu niềm tin.

Với thanh khoản nhỏ và giá giảm nhiều – gần 200 mã ở HoSE giảm trên 1% - thị trường đã thiếu đi sức mua đủ mạnh để cân bằng cung cầu ở các vùng giá cao hơn. Nếu như các phiên liền trước nhà đầu tư sẵn sàng đẩy cao giá mua giúp cổ phiếu tăng, thì hôm nay giá mua lại lùi xuống và chờ người bán. Trong khi nhu cầu lướt sóng ngắn hạn vẫn còn và lợi nhuận T+4 còn tốt, người cầm cổ dĩ nhiên chấp nhận bán thấp hơn tham chiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tuy bán ròng nhưng cũng không phải là lý do chính đẩy cả thị trường trượt giảm. Tổng giá trị bán của khối này tại sàn HoSE chiếm khoảng 6,5% tổng giao dịch. Ví dụ rõ nhất là HPG, thực tế được khối ngoại mua ròng gần 32 tỷ đồng, lượng mua chiếm 13% tổng thanh khoản, thì giá vẫn bị nhà đầu tư trong nước dìm sâu, giảm 3%. Các cổ phiếu bị bán ròng đáng chú ý là KDH, DGC, VHC, DIG, DGW đều không phải là những mã có ảnh hưởng tới thị trường cũng như chỉ số VN-Index.

Điều quan trọng nhất hôm nay là dòng tiền vẫn đang chờ đợi thị trường điều chỉnh. Về mặt kỹ thuật thì thị trường – thông qua chỉ số - và nhiều cổ phiếu đã có điểm đáy ngắn hạn từ tuần trước. Tuy nhiên khả năng giá tạo 2 đáy, hay nhiều hơn, vẫn dễ xảy ra.

Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán lao dốc, dòng tiền vòng sang cổ phiếu nhỏ

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

13.491 đồng (-13%)

498,9 triệu (-6%)

1.602 tỷ đồng (-4%)

72,9 triệu (-6%)