Nguồn: Tổng cục Thuế    Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Hồng Vân

Để ngăn chặn vấn nạn này, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, kiên quyết xử lý hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Triệt phá nhiều vụ án mua bán, sử dụng hóa đơn khủng

Để đáp ứng yêu cầu cải cách, nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản; người nộp thuế (NNT) tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp (DN) có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số DN vẫn lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách, để sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, nhằm mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính, gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong 2 năm gần đây, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Riêng năm 2019 là 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp.

Một số vụ án điển hình có thể kể đến như: Đường dây mua bán trái phép hóa đơn với trị giá gần 2.000 tỷ đồng tại Công ty JUNMA Phú Thọ, do Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá. Vụ án đại gia Ngô Văn Phát buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với giao dịch lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, do Công an TP. Hải Phòng triệt phá. Đặc biệt, mới đây Công an tỉnh Thanh Hóa đã phá chuyên án T421, bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây thành lập hàng chục công ty ma để mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT lớn nhất từ trước đến nay, thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, qua đấu tranh mở rộng chuyên án, đến thời điểm này, Công an TP. Thanh Hóa đã điều tra, khởi tố và bắt giữ thêm 19 đối tượng khác trong đường dây mua bán hóa đơn khủng này, nâng tổng số bị can bị khởi tố điều tra là 27 đối tượng, trong đó có nhiều người là giám đốc các DN có tên tuổi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thống kê ban đầu cho thấy, 14 công ty ma trong đường dây mua bán hóa đơn thuế GTTGT khủng này đã phát hành hơn 15 nghìn số hóa đơn cho khoảng 1 nghìn DN trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh thành khác trên địa bàn cả nước, với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng…

Theo Tổng cục Thuế, hoạt động thanh tra, kiểm tra DN được ngành Thuế tiến hành hàng năm và sẽ kiểm tra 20% số DN trên cơ sở phân tích các rủi ro; trong đó có các rủi ro liên quan đến dấu hiệu bất thường về hóa đơn, xuất bán hàng hóa. Việc cho DN được tự in và sử dụng hóa đơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tuy nhiên, tình trạng làm giả, mua bán trái phép hóa đơn vẫn còn diễn biến phức tạp, để ngăn chặn triệt để còn rất gian nan.

Áp dụng hóa đơn điện tử giải pháp ngăn chặn mua bán hóa đơn

TS. Lê Xuân Trường – Trưởng Khoa Thuế, hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, việc mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn là vấn nạn đã tồn tại từ lâu. Mục đích của các đối tượng là hợp thức hóa các khoản chi tiêu bất hợp lý của DN để đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý nhằm được hoàn thuế GTGT, giảm đóng thuế thu nhập DN. Việc này không những làm thất thu NSNN mà còn khiến môi trường kinh doanh trở nên bất bình đẳng. Để hạn chế tình trạng trên, ngành Thuế cần đẩy mạnh rà soát, nhận diện hoạt động mua bán hóa đơn; cần tăng chế tài xử lý với các vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt, cơ quan thuế cần đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Để ngăn chặn vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, ngày 28/7/2021, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành Công văn số 2838/TCT-KTNB yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối với NNT có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã đồng loạt vào cuộc. Ông Nguyễn Văn Thủy - Cục trưởng Cục Thuế Long An cho biết, đơn vị thường xuyên rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với DN có rủi ro cao về hành vi in, phát hành, sử dụng hóa đơn. Đối với DN mới thành lập Cục Thuế Long An yêu cầu phải phối hợp kiểm tra xác minh chặt chẽ tình trạng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế khi thông báo phát hành và sử dụng hóa đơn, để ngăn chặn xử lý kịp thời DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn (nếu có)…

Theo đại diện Tổng cục Thuế, một trong những giải pháp triệt để, căn cơ nhất để xử lý tình trạng này đó là áp dụng HĐĐT, đặc biệt là HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Theo Luật Quản lý thuế, đến thời điểm 1/7/2022, tất cả các DN sẽ phải thực hiện HĐĐT. Cơ quan thuế cũng đang thực hiện thí điểm khoảng hơn 250 DN thực hiện HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Tất cả các hóa đơn của các DN này sẽ phải được chuyển qua hệ thống kiểm soát của cơ quan thuế để xác minh, kiểm tra và cấp mã xác định hóa đơn để đảm bảo.

Ngành Thuế đang tăng cường tuyên truyền về lợi ích, đặc biệt là tuyên truyền về thời gian bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử, để doanh nghiệp nắm bắt sớm chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử, tránh tình trạng áp dụng trong giai đoạn nước rút ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Văn Tuấn