Hợp tác kinh tế là điểm sáng

Phát biểu tại một tọa đàm do Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) tổ chức mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Ý - ông Dương Hải Hưng cho biết, trong hơn 50 năm qua, quan hệ Việt Nam và Ý đã phát triển thực chất và toàn diện trên các lĩnh vực.

Còn nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác Việt - Ý
Piaggio là một trong những doanh nghiệp Ý thành công tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong đó, hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong ASEAN và Ý là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU. Năm 2022, dù có nhiều khó khăn và biến động, kim ngạch thương mại hai nước đạt mức cao kỷ lục 6,2 tỷ USD (mức cao nhất từ trước đến nay), tăng 11% so với năm 2021.

Hơn 6.000 doanh nghiệp Ý hiện đang kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư lớn của Ý trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo đều hoạt động hiệu quả, thành công tại Việt Nam, trong đó có Bonfiglioli, Piaggio, Danieli, Datalogic, Ariston.

“Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong danh sách 20 quốc gia được Chính phủ Ý tiếp tục được ưu tiên thúc đẩy thương mại và đầu tư đến năm 2030” - Đại sứ Dương Hải Hưng thông tin.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Ý cũng đang phát triển tích cực. Nhiều địa phương của hai nước trao đổi, kết nối đối tác, hợp tác hiệu quả như: Bình Dương, Bình Phước với vùng Emilia Romagna, Bà Rịa - Vũng Tàu với vùng Veneto, Hà Nội với vùng Lazio và Roma, Lâm Đồng với Como...

Vào tháng 12/2022, Việt Nam và nhóm các đối tác quốc tế bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD, nhằm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đầy tham vọng cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Cam kết của Ý cho chương trình này là 250 triệu USD.

Về vốn FDI, Ý xếp thứ 34 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 9 trong khu vực EU đầu tư vào Việt Nam.Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đầu năm 2023, tổng số vốn FDI của Ý tại Việt Nam là 453,39 triệu USD, với 141 dự án.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành ICHAM Việt Nam, trên thực tế, số vốn FDI của Ý vào Việt Nam còn lớn hơn do nhiều doanh nghiệp Ý tại Singapore, Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam nên số FDI đó được tính là FDI của Singapore và Hồng Kông.

Trong số các dự án FDI của Ý vào Việt Nam, phân theo ngành thì có tới 83% tập trung vào sản xuất và chế biến/chế tạo, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Bến Tre.

Hợp tác Việt - Ý còn nhiều dư địa

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Đại sứ Dương Hải Hưng, quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là đầu tư của Ý vào Việt Nam chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của Ý khi quốc gia này là nền kinh tế thứ 8 thế giới và là thành viên của G7 và G20.

Theo ông Hưng, Ý là nước có nhiều thế mạnh về các ngành công nghiệp truyền thống như máy móc, chế tạo, thiết bị cơ khí, tự động hóa, chế biến nông sản thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, dầu khí… Đồng thời, Ý cũng là quốc gia tiên tiến trong các ngành công nghiệp mới như: năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao..., là những lĩnh vực cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

“Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Ý và Việt Nam, trên cơ sở thế mạnh và tính bổ sung giữa hai nền kinh tế của hai nước” - ông Hưng nhấn mạnh.

Còn nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác Việt - Ý
Tọa đàm "Đầu tư vào Việt Nam: Xu hướng và cơ hội đối với doanh nghiệp Ý" thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Ý trong khu vực ASEAN. Ảnh: LV

Trả lời Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành của ICHAM Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Ý rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, quan tâm đến các cơ hội cũng như sự hỗ trợ đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tới đầu tư tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư Ý quan tâm đến các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên khuyến khích đầu tư, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ thông tin.

Ông Quyết cho biết: “Trong tọa đàm "Đầu tư vào Việt Nam: Xu hướng và cơ hội đối với doanh nghiệp Ý" do ICHAM Việt Nam tổ chức mới đây, chúng tôi ghi nhận một xu hướng đầu tư khá rõ, không chỉ từ các nhà đầu tư Ý muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam mà cả các nhà đầu tư Ý đã hiện diện tại một số các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là tại Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp cũng đang đánh giá khả năng mở rộng đầu tư thêm ở Việt Nam để hỗ trợ cho mảng đầu tư vào Trung Quốc cũng như để tiếp cận tốt hơn với thị trường Đông Nam Á. Đó là trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh nói chung”.

Cũng theo ông Quyết, trong hoạt động của mình, ICHAM vẫn thường xuyên tổ chức những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đầu tư tại Ý để cung cấp thông tin một cách cập nhật, chi tiết về tình hình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như các cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tại Ý. Hoạt động này cũng được triển khai trên cơ sở phối hợp với các văn phòng đại diện của ICHAM tại Ý để có khả năng tiếp cận rộng hơn với cộng đồng doanh nghiệp Ý.

“Trong năm 2023 này, ICHAM Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư hai chiều tại Việt Nam và Ý để góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại giữa các doanh nghiệp hai quốc gia” - ông Quyết thông tin.

Theo Đại sứ Ý tại Việt Nam Antonio Alessandro, hiện Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bởi lợi thế nguồn nhân lực và gia công giá rẻ mà còn hấp dẫn các dự án đầu tư nước ngoài với chi phí đầu tư thấp, nguồn nhân lực có tay nghề. Bên cạnh đó, đối với nhà đầu tư, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng là một điểm thu hút. Đặc biệt, sự ổn định về mặt kinh tế - xã hội là động lực khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư tại Việt Nam.