Trong khuôn khổ hội thảo "Dệt may Việt Nam - Tiên phong trước xu hướng phát triển bền vững theo các FTA" diễn ra, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt May Việt Nam - VITAS cho rằng, ngành dệt may Việt Nam có sự phát triển chưa đồng đều, phần lớn hoạt động sản xuất (60%) tập trung cho xuất khẩu. Trong khi đó, sản xuất sợi chiếm 17% và vải chiếm 14%, phần còn lại là các nguyên vật liệu phụ trợ.

"Với Hiệp định CPTPP, để thuế về 0, hàng dệt may từ ba công đoạn sợi - vải - quần áo phải được sản xuất tại Việt Nam. Nhưng hiện tại, chúng ta đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và không có nguồn cung bông” - bà Mai nhấn mạnh.

Theo bà Mai, để giải quyết vấn đề nguồn cung nguyên liệu hạn chế, ngành dệt may nên tận dụng lợi ích của Hiệp định CPTPP để thu hút đầu tư nước ngoài vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, và xử lý môi trường để tăng giá trị lợi nhuận.

“Các doanh nghiệp cần tập trung vào 3P (People - con người, Planet - môi trường, Profit - lợi nhuận) và 4R (Reduce - giảm, Recycle - tái chế, Reuse - tái sử dụng, Renew Energy - năng lượng tái tạo), cũng như đào tạo nguồn nhân lực và đa dạng hóa thị trường."

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt May Việt Nam - VITAS.

Ông Trần Ngọc Liên - Giám đốc VCCI - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 3 thế giới, là thị trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài do thêm nhiều FTA đã có hiệu lực. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đối diện những khó khăn, thách thức như lạm phát, đơn hàng giảm, chênh lệch tỷ giá, lãi suất tăng,…. và phải sớm đáp ứng về các vấn đề môi trường - xanh hóa sản xuất.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD năm 2024 là hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang có 3 thách thức cho các doanh nghiệp Việt đó là xuất xứ về dòng sản phẩm; sản phẩm tái chế và tỷ lệ tái chế.

Công nghiệp dệt may xây dựng chuỗi cung ứng bền vững để vươn ra thế giới
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Ảnh Ngân Nga)

Ông Giang cũng cho biết đã gửi lời mời đến đại sứ EU, trong năm nay sẽ đi thăm nhà máy 100% của Việt Nam.