Tổng cục dự trữ nhà nước

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí và Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ công chức Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ.

>> Trưởng thành theo những chuyến đi

>> 'Binh chủng' đặc biệt trong ngôi nhà Tài chính

Chứng kiến nghị lực kiên cường, nỗ lực vượt khó và tình cảm chân thành trong sáng của những người làm công tác dự trữ ở vùng đất đầy nắng gió này, tôi thấy thật nể phục…

Vượt qua tình huống ngặt nghèo…

Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ, tiền thân là Tổng kho A45, hiện nay, cục có 5 phòng nghiệp vụ và 4 chi cục trực thuộc, nằm trên địa bàn 4 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận). Những năm qua, cán bộ của Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ đã luôn chủ động đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao, kể cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ: Nhiều đổi thay ấn tượng
Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ công chức Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ đã nỗ lực đoàn kết phấn đấu và sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Với những thành tích nổi bật đó, tập thể cán bộ công chức Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ đã được cho Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác. Cá nhân đồng chí cục trưởng được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Đây chính là nguồn cổ vũ động viên lớn lao để Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ tiếp tục vững bước trong tương lai.... Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ Nguyễn Văn Chung nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2009. 5h sáng ngày 3/11/2009, Phó chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên trực tiếp điện cho ông, đề nghị cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân trong các vùng đang bị lũ lụt cô lập hoàn toàn. Ngay lập tức, ông Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng bị “dựng dậy” bởi cú điện thoại của ông Chung. Đến lượt Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng bị đánh thức bởi tình hình khẩn cấp ở Phú Yên.

Mặc dù chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong phạm vi thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã quyết định mở kho, xuất 32 tấn gạo, chuyển gấp trong hoàn cảnh mưa bão, gió cấp 9, giật cấp 12 suốt 8 giờ liền. Nước sông dâng vượt lũ lịch sử năm 1988. Trong đêm tối mù mịt, đường vào lũ nhấn chìm, chính quyền tỉnh và Cục Dự trữ phải chọn phương án chở ra sân bay, huy động trực thăng quân đội mới đưa được 32 tấn gạo đến hai huyện Đồng Xuân và Đồng Hòa, nơi nhân dân bị lũ cô lập.

Cũng trong trận lũ lịch sử năm 2009, Kho dự trữ Hòa Bình (Chi cục Phú Yên) vừa hứng nước hồ thủy điện sông Ba Hạ xả về, vừa hứng nước lũ ngập tràn toàn bộ khu vực kho trên 1m, chỉ nửa gang tay nữa là nước chạm sàn kho lương thực.

Nhờ có phương án chuẩn bị phòng chống bão lụt theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nên hơn 3000 bao cát, 85m3 cát, 88m3 đất đã được huy động để cứu nguy kho lương thực. Cuối cùng kho vẫn giữ được an toàn, vẫn huy động được gạo từ các kho của 4 tỉnh để chuyển hỗ trợ kịp thời 4.000 tấn cho Phú Yên, 1.000 tấn cho Khánh Hòa cứu trợ cho đồng bào.

Gần nhất, đầu năm nay, đơn vị cũng đã hoàn thành xuất cấp, vận chuyển kịp thời hơn 2.300 tấn gạo hỗ trợ nhân dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận, dịp Tết Nguyên đán.

Vùng kho kiên cố, hiện đại, an toàn

Trụ sở mới của Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ nằm ở số 9 Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khang trang, hiện đại. Khác với suy nghĩ ban đầu của mình, tôi thật ngạc nhiên về cơ sở vật chất của cục và các chi cục. Từ văn phòng làm việc đến hệ thống kho tàng đều được sửa chữa, đầu tư xây mới kiên cố, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Chung cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN, hệ thống kho tàng, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các chi cục và Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ ngày một khang trang hiện đại, không ngừng phát triển. Tháng 10/2014, cục đã đưa thêm kho tuyến I tại Khánh Hòa vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ và phù hợp với định hướng quy hoạch hệ thống kho DTQG đến năm 2020.

Tình hình được cải thiện khiến cho người làm công tác dự trữ ở đây cũng thêm phần phấn khởi, yêu nghề. Từ Ninh Thuận, Bình Thuận, tới Khánh Hòa, tôi đều được nghe các anh, các chị hăng say nói về niềm vui trong công việc và được chứng kiến sự đổi mới về diện mạo của đơn vị mình, thêm yêu, thêm gắn bó với nghề, với ngành Dự trữ...

“Làm việc ở đây gần 20 năm, chúng tôi thấm thía hơn ai hết sự đổi mới về cơ sở vật chất như hiện nay. Hồi mới thành lập, đêm đến chúng tôi còn phải thắp đèn dầu để trông kho. Mấy năm nay, văn phòng khang trang, kho dự trữ đã kiên cố, hiện đại... bão lũ cũng đã đỡ lo nhiều.”- anh Lê Văn Khôi- Phó chi cục trưởng Chi cục DTNN Khánh Hòa phấn khởi nói, khi dẫn chúng tôi đi xem cơ ngơi của đơn vị.

Hệ thống kho của Chi cục DTNN Khánh Hòa nằm trong dự án 12 kho tuyến 1 của Tổng cục DTNN, đang được xây dựng hiện đại hoá. Tường cao bao quanh một khu vực rộng tới 10 ha gồm các nhà kho, mỗi cái hơn 1.200m2. Nếu trước kia kho để phân tán, nhỏ lẻ thì nay đã bố trí tập trung, có khu sơ chế, có khu văn phòng, nhà công vụ. Bể cứu hoả vừa chứa nước vừa tận dụng làm ao thả cá. Đặc biệt, trong khuôn viên có rất nhiều cây ăn quả. Đây chính là một trong những điểm kho điển hình, nổi tiếng về kho an toàn, xanh, sạch, đẹp đang được nhân lên toàn ngành.

Tạm biệt Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ mà lòng tôi không khỏi xao xuyến. Từ lời chia sẻ thân tình của Cục trưởng Nguyễn Văn Chung: “Với sự quan tâm đầu tư của Bộ Tài chính, của ngành về cơ sở vật chất, toàn thể cán bộ, viên chức đơn vị chúng tôi luôn yên tâm, phấn khởi, sẵn sàng thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao...", tôi rất tin tưởng rằng, với đội ngũ cán bộ ấy, với cơ sở vật chất ấy, Cục DTNN khu vực Nam Trung bộ sẽ ngày càng xây dựng đơn vị phát triển, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của ngành./.

Một số hình ảnh của đoàn công tác:

Tổng cục dự trữ nhà nước

Hồng Sâm