Lớn mạnh về mọi mặt

Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nam Tây Nguyên được thành lập ngày 26/5/1992. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã lớn mạnh về mọi mặt. Từ chỗ hệ thống kho dự trữ cũ, xuống cấp chỉ có tích lượng 10.000 tấn, đến nay Cục đã có hệ thống kho được đầu tư xây dựng hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng Dự trữ Quốc gia (DTQG) theo quy định gồm: 1 kho tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với tích lượng 10.000 tấn và 1 kho tại TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng với tích lượng 6.000 tấn. Hiện đang triển khai xây dựng kho Đắk Nông giai đoạn 1, tích lượng 5.000 tấn, dự kiến hoàn thành trong năm 2022 và đi vào hoạt động đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Nam Thắng, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên cho biết: Với chức năng trực tiếp quản lý hàng DTQG và quản lý nhà nước về DTQG theo quy định trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, thời gian qua đơn vị luôn chấp hành và triển khai thực hiện mua, bán hàng DTQG đảm bảo về số lượng, chất lượng, kịp về thời gian và quy trình đúng theo quy định của Nhà nước; xuất cấp hàng DTQG cứu trợ, hỗ trợ đáp ứng yêu cầu phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng chống dịch Covid-19. Đơn vị đã không ngừng chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, triển khai áp dụng các kỹ thuật hiện đại, công nghệ bảo quản tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và kéo dài được thời gian lưu kho đối với hàng DTQG.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã triển khai xuất cấp hàng dự trữ hỗ trợ người dân kịp thời, đảm bảo số lượng, chất lượng. Ảnh: Tấn Hùng
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã triển khai xuất cấp hàng dự trữ hỗ trợ người dân kịp thời, đảm bảo số lượng, chất lượng. Ảnh: Tấn Hùng

Điển hình, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về mua nhập kho hàng DTQG, xuất bán lương thực DTQG. Cụ thể Cục đã mua nhập kho DTQG: 47.000 tấn thóc, 113.000 tấn gạo; nhập vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn: Nhà bạt các loại 1.900 bộ; phao áo cứu sinh 25.000 chiếc; phao tròn cứu sinh 27.000 chiếc; thiết bị chữa cháy rừng 80 bộ; máy phát điện 10 bộ... Cục đã thực hiện xuất bán: 47.000 tấn thóc, hơn 31.000 tấn gạo. Quá trình tổ chức thực hiện mua nhập kho, xuất bán lương thực DTQG đảm bảo đúng quy trình, quy định, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

“Việc mua, bán lương thực, xuất cấp vật tư thiết bị hàng năm đã đóng vai trò quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương, được các cấp chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao và khẳng định vai trò quan trọng của ngành DTQG. Từ khi Luật DTQG ra đời việc mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG ngày càng đi vào nề nếp. Mua gạo thông qua đấu thầu, đấu thầu qua mạng (thực hiện từ năm 2022), bán gạo thông qua đấu giá; mua bán thóc trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng, xây dựng cơ chế giá mua, giá bán ngày càng chặt chẽ, đã tạo tính chủ động và thuận lợi để đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - ông Thắng cho biết.

Xuất cấp hàng DTQG kịp thời

Trong 30 năm qua, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục DTNN về xuất cấp hàng DTQG luôn được kịp thời, đảm bảo về số lượng và chất lượng hàng theo quy định, tổng giá trị hàng xuất cấp gần 670 tỉ đồng. Cụ thể: Xuất cấp gạo cứu trợ cho nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt hàng năm, nhân dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và xuất cấp gạo hỗ trợ cho học sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn hơn 80.000 tấn (giá trị: hơn 618 tỉ đồng); xuất vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn gồm: nhà bạt 1.700 bộ, phao tròn cứu sinh 16.000 chiếc, phao áo cứu sinh 23.000 chiếc, thiết bị chữa cháy rừng 54 bộ (giá trị hàng vật tư xuất cấp hơn 51 tỉ đồng).

Ghi nhận những đóng góp của tập thể, cá nhân công chức và người lao động tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên trong 30 năm qua, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước và các chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu như: 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; 4 Huân chương Lao động hạng Ba; 2 Cờ thi đua của Chính phủ; 3 Cờ thi đua của Bộ Tài chính; cùng nhiều bằng khen của các cấp, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn Nam Tây Nguyên nói riêng, đơn vị đã triển khai xuất cấp, giao nhận: vật tư thiết bị DTQG (gồm 300 bộ nhà bạt cứu sinh các loại) phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ gần 2.000 tấn gạo cho nhân dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giúp nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch.

“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước giao cho ngành DTNN nói chung và Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên nói riêng. Xác định đây là trách nhiệm cũng là việc làm có ý nghĩa nhân văn nên công chức và người lao động trong toàn đơn vị luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, để hàng DTQG đến tay người thụ hưởng nhanh, kịp thời, an toàn nhất góp phần ổn định đời sống, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Thắng chia sẻ.

Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên cũng là một trong số đơn vị tiêu biểu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ tin học trong quản lý; bảo đảm hiệu quả trong công tác tài chính kế toán; công tác an ninh bảo vệ; công tác an sinh xã hội, hoạt động từ thiện…

“Với truyền thống đoàn kết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, thế hệ công chức của Cục hôm nay sẽ giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được của các thế hệ đi trước, không ngừng xây dựng đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày càng phát triển, vững mạnh toàn diện” - ông Thắng khẳng định.

Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản hàng dự trữ

Công tác bảo quản vật tư, hàng hóa dự trữ quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên hết sức quan tâm. Hiện nay đơn vị đã triển khai 100% số lượng gạo dự trữ quốc gia bảo quản bằng phương pháp bổ sung khí N2. Đối với thóc, từ phương pháp bảo quản thóc đổ rời thoáng tự nhiên đến năm 2007 đơn vị đã chuyển sang bảo quản 100% bằng phương pháp áp suất thấp. Đơn vị luôn thực hiện tốt các công nghệ bảo quản mới và đạt hiệu quả cao trong công tác bảo quản lương thực, chất lượng lương thực đảm bảo, thời gian lưu kho lâu hơn, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm chi phí, giảm hao hụt trong quá trình bảo quản, các chỉ tiêu chất lượng trong quá trình nhập, xuất, lưu kho luôn đảm bảo yêu cầu theo quy chuẩn Việt Nam đối với từng mặt hàng dự trữ quốc gia.

Những thành công trong việc áp dụng phương pháp, công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã được Tổng cục Dự trữ Nhà nước đánh giá cao và mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm ngân sách. Trong công tác bảo quản luôn xác định ứng dụng công nghệ là quan trọng nhưng yếu tố con người càng quan trọng hơn, chính vì vậy hàng năm đơn vị cử đội ngũ cán bộ thủ kho, kỹ thuật viên bảo quản đi đào tạo, bồi dưỡng đủ trình độ và khả năng đảm nhận công tác kiểm tra chất lượng toàn bộ các mặt hàng dự trữ quốc gia, đảm nhận kiểm tra chất lượng tại chân hàng, cửa kho và quá trình bảo quản.

Đồng thời, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác kỹ thuật bảo quản cũng được trang bị đầy đủ, các loại máy móc thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm chất lượng hàng dự trữ quốc gia ngày càng được chuẩn hóa và hiện đại, phát huy hơn nữa những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia.