Đã quan sát gần như mọi hoạt động của người nộp thuế

Còn nhớ vào thời điểm tháng 11/2022, khi triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các cục thuế tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát dữ liệu hóa đơn điện tử để đảm bảo người nộp thuế sử dụng hóa đơn đúng quy định và kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.

Cục Thuế Bình Định: Bao quát và quản chặt các nguồn thu trên địa bàn
Triển khai hóa đơn điện tử đã bao quát được các nguồn thu, góp phần tăng thu về cho ngân sách.

Ở thời điểm đó, Cục Thuế Bình Định đã “phản ứng nhanh”, kịp thời triển khai Ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử phát hiện ngay các trường hợp này và bổ sung thêm chức năng trên ứng dụng, lọc ra các trường hợp mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp để ngăn chặn tức thì.

Mới đây, Cục Thuế Bình Định đã có cuộc họp bàn các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy triển khai Ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử trong năm 2023.

Theo Cục Thuế Bình Định, Ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử đã giúp cơ quan quản lý quan sát gần như mọi hoạt động của người nộp thuế với phạm vi rất rộng nhờ việc kết nối, liên kết giữa các giao dịch, mua bán với nhau. Bước đầu, cơ quan thuế đã giải quyết thành công một số "bài toán" nghiệp vụ nổi bật, như: Đối với danh sách các doanh nghiệp có chênh lệch doanh thu sử dụng hóa đơn điện tử với doanh thu khai thuế, cơ quan quản lý đã sớm phát hiện các doanh nghiệp có nghi vấn sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (sử dụng lượng lớn hóa đơn nhưng khai thuế thấp hoặc không khai thuế).

Đối với danh sách các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của người nộp thuế ngoài tỉnh đã bỏ địa chỉ kinh doanh, ứng dụng đã cảnh báo các doanh nghiệp về rủi ro vi phạm hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (điều chỉnh trước khi cơ quan chức năng xác định là hóa đơn bất hợp pháp).

Về công cụ truy vết hóa đơn xuất bán lòng vòng giữa doanh nghiệp và các hộ kinh doanh (lên đến 12 vòng lặp), xác định chuỗi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có dấu hiệu mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

“Bít” tối đa các lỗ hổng trong quán lý thu thuế

Theo ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, trong năm 2023, đơn vị xác định tận dụng tốt lợi thế công nghệ thông tin sẵn có, lấy dữ liệu hóa đơn điện tử làm nền tảng, trung tâm để thúc đẩy tất cả các mặt công tác quản lý thuế với mục tiêu “Chặt chẽ - Văn minh - Hiện đại”. Theo đó, sẽ mở ra phương thức quản lý thuế mới, vừa “chủ động phục vụ phòng ngừa sai phạm cho người nộp thuế”, vừa “bao quát và quản chặt tất cả các nguồn thu trên địa bàn”.

Cục Thuế Bình Định: Bao quát và quản chặt các nguồn thu trên địa bàn
Cục Thuế Bình Định: Bao quát và quản chặt các nguồn thu trên địa bàn. Ảnh: TL.

Đồng thời, cơ quan thuế hoàn thiện các "bài toán" nghiệp vụ phân loại rủi ro trong quản lý doanh nghiệp để “bít” tối đa các lỗ hổng trong công tác quản lý thuế, nhất là công tác giám sát hồ sơ khai thuế, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và đặc biệt là ngăn chặn tối đa tình trạng mua bán hóa đơn. Từ đó, lành mạnh hóa các giao dịch kinh tế trên thị trường, góp phần thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh công bằng, bình đẳng, minh bạch và tuân theo khuôn khổ quy định pháp luật giữa các thành phần kinh tế.

Thông qua Chương trình Hóa đơn may mắn và lộ trình triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, cơ quan thuế thúc đẩy thói quen lấy hóa đơn của người tiêu dùng và ý thức xuất hóa đơn của các cơ sở kinh doanh; góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh nhà ở cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Lãnh đạo Cục Thuế Bình Định đã giao các đơn vị chức năng thuộc cục nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình UBDN tỉnh (chỉ thị) các giải pháp đồng bộ, tổng thể để thúc đẩy các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú, bán lẻ thuốc tân dược... đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, các đơn vị tham mưu lãnh đạo cục các giải pháp thúc đẩy hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng và nộp thuế qua ứng dụng eTax Mobile; đảm bảo đến hết quý I/2023 có 60%, đến hết 6 tháng đầu năm 2023 có 100% hộ kinh doanh đăng ký sử dụng.

Được biết, thời gian tới, các phòng chức năng theo các lĩnh vực được phân công, quản lý chuyên sâu tiếp tục đề xuất các bài toán nghiệp vụ (theo chuyên ngành hẹp) để xây dựng và thử nghiệm trên ứng dụng trước khi triển khai trong toàn ngành (vừa phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế; vừa công khai trên cổng giao tiếp điện tử).

Theo đó, các đơn vị hoàn thiện các nghiệp vụ quản lý thuế hiện đại theo hướng tích hợp các bài toán nghiệp vụ quản lý thuế chuyên sâu với ứng dụng hóa đơn điện tử để tìm dư địa nguồn thu và khai thác tăng thu ngân sách trên địa bàn./.

Phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn

Qua rà soát tình hình sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp trên địa bàn (từ 1/1/2022 đến 7/2/2023) cho thấy: Chi cục Thuế thị xã An Nhơn phát hiện 5 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, đã chuyển tin báo vụ việc về thuế sang Công an thị xã 4 doanh nghiệp và đang tiếp tục làm rõ thêm các dấu hiệu rủi ro đối với 1 doanh nghiệp.

Chi Cục Thuế Khu vực Hoài Nhơn - Hoài Ân - An Lão phát hiện 4 doanh nghiêp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn. Theo đó, đã chuyển tin báo vụ việc về thuế sang cơ quan công an 2 doanh nghiệp; đang tiếp tục rà soát đối với 2 doanh nghiệp.

Chi cục Thuế khu vực Tây Sơn - Vĩnh Thạnh phát hiện 2 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn nên đã ra thông báo tạm dừng sử dụng hóa đơn đối với 2 doanh nghiệp này./.