Số thu tăng trưởng khả quan

Cục Thuế tỉnh Khánh Hoà cho biết, số thu nội địa lũy kế tính đến ngày 16/10/2024 thực hiện được 13.711 tỷ đồng, đạt 93,9% dự toán pháp lệnh được giao năm 2024 và tăng 35,6% (so sánh với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, số thu không kể tiền sử dụng đất thực hiện được 12.456 tỷ đồng, đạt 97,3% dự toán và tăng 30,9%.

Nhìn chung, số thu nội địa toàn tỉnh 10 tháng tính đến nay đạt kết quả tương đối khả quan và giữ được tốc độ tăng trưởng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Nhiều khoản thu vượt tiến độ dự toán. Đặc biệt, một số khoản thu, sắc thuế đã vượt dự toán pháp lệnh và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 5 khoản thu, sắc thuế vượt dự toán pháp lệnh năm 2024: thu tiền thuê đất, thuê mặt nước được 2.202 tỷ đồng, bằng 529,2% dự toán; thu tiền thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được 10,6 tỷ đồng, bằng 431,9% dự toán; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước thực hiện được 55,9 tỷ đồng, vượt 39,9% dự toán; khoản thu phí - lệ phí thực hiện được 451 tỷ đồng, vượt 37,5% dự toán; khoản thu khác ngân sách thực hiện được 440,3 tỷ đồng, vượt 15,9% dự toán.

Ngoài ra, còn có một số khoản thu, sắc thuế gần đạt dự toán pháp lệnh như: thuế thu nhập cá nhân được 1.223,1 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán; thu từ hoạt động xổ số được 240,4 tỷ đồng, đạt 90,7% dự toán; khoản thu lệ phí trước bạ được 396,6 tỷ đồng, đạt 85,3% dự toán.

Cục Thuế tỉnh Khánh Hoà thực hiện giải pháp quản lý thu đồng bộ để tăng thu ngân sách
Đến nay, số thu nội địa trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã hoàn thành dự toán năm 2024. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu đạt thấp so với tiến độ dự toán, như: Thuế bảo vệ môi trường thực hiện được 69,5% dự toán; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại được 42,7% dự toán; tiền sử dụng đất thực hiện được 69,7% dự toán.

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Kim Thái Linh - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hoà, cho biết tình hình kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, do đó số nợ thuế có xu hướng tăng.

Nợ chủ yếu là các khoản thu từ đất (tiền thuê đất, tiền sử dụng đất...) từ các năm trước chuyển sang phát sinh lớn do việc xác định lại và không được miễn giảm, tính lại đơn giá thuê đất trong thời gian dài,... Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc không thể triển khai dự án, không có khả năng thanh toán nợ ngân sách nhà nước (NSNN) mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

"Nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đã được thông báo tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm, tuy nhiên doanh nghiệp chưa hoàn thành các thủ tục thuê đất, chưa triển khai được dự án, chưa khai thác khoáng sản nên không có đủ tài chính để nộp vào NSNN mặc dù đã bị cưỡng chế" - bà Linh cho biết.

Tăng tốc những tháng cuối năm

Bà Nguyễn Kim Thái Linh cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2024, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả thu ngân sách tốt nhất, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương, phấn đấu thu NSNN năm 2024 hoàn thành nhiệm vụ Tỉnh ủy giao, làm tiền đề để thu NSNN năm 2025 đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 18 đề ra.

Cục Thuế tỉnh Khánh Hoà thực hiện giải pháp quản lý thu đồng bộ để tăng thu ngân sách
Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả thu ngân sách tốt nhất. Ảnh: Nguyễn Lạc

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa sẽ thường xuyên theo dõi, làm việc với người nộp thuế đang có vướng mắc liên quan đến các khoản thu từ đất, tiền cấp quyên khai thác khoáng sản để nắm bắt thông tin, tiến độ xử lý của các bên liên quan. Đồng thời, cơ quan thuế hàng tháng báo cáo tình hình nợ thuế các doanh nghiệp trên về UBND để có chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp, xử lý theo quy định.

“Chúng tôi sẽ báo cáo Tổng cục Thuế các vướng mắc trong công tác cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản, công tác phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh để sửa đổi trong thời gian tới cho phù hợp, đây cũng là vướng mắc chung của toàn ngành thuế cả nước” - bà Linh chia sẻ.

Bà Linh cho biết thêm, đối với các trường hợp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký còn nợ thuế, cục thuế đã có nhiều công văn triển khai đề nghị các chi cục thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật theo quy định nhằm thu hồi tiền thuế nợ.

Tuyên truyền, vận động người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước; phổ biến thông tin để người nộp thuế biết về các biện pháp cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh nhằm thu hồi các khoản nợ thông qua sự tự giác tuân thủ pháp luật của người nộp thuế;

Đẩy mạnh rà soát, đôn đốc thu các khoản thu phát sinh từ tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất được gia hạn của năm 2024, phấn đấu thu hết số thuế được gia hạn trong năm 2024;

Phối hợp với các sở, ngành chức năng trong công tác thu tiền thuê đất và tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thu đúng theo quy định;

Ngoài ra, cơ quan thuế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định, trong đó, tập trung rà soát để phân loại đúng đối tượng hoàn thuế theo tiêu chí rủi ro, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các công chức thuế trong từng bộ phận ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào các khâu quản lý thuế, tra soát số nộp ngân sách nhà nước, hoàn thuế, kê khai nộp thuế theo phương thức điện tử, nộp thuế qua ứng dụng eTax mobile,… nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý thuế giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí.