Anh ra đi khi sự nghiệp làm báo của anh còn dang dở, khi sức viết của anh đang ở độ chín nhất, khi thể loại chính luận - một trong hai thể loại căn bản của báo chí hiện đại mà anh đang đảm trách các bài bình luận hằng tuần trên trang nhất Thời báo Tài chính Việt Nam vẫn còn nhiều tâm huyết để tiến tới một sự hoàn thiện theo phong cách, nhìn nhận riêng anh.

Trước tết không lâu anh hơi mệt. Một lần ngất xỉu tại tòa soạn, một lần khác đang đi ngoài đường, vợ anh kể cả thảy có tới 3 lần trong một tháng vậy mà trước đó mươi ngày anh vẫn khăn gói như năm nảo năm nào, như hồi còn trẻ - hồi còn làm ở báo Quân đội Nhân dân về miền Trung, quê hương “Quảng Bình quê ta ơi” để viết bài cho kịp số báo xuân, đồng thời vẫn viết đều đặn cho hai chuyên mục “Chuyện cuối tuần” và “Sự kiện - Nhận định”. Có hôm mệt, bắt buộc phải ở nhà, hay nằm viện theo khuyến cáo của bác sĩ anh vẫn viết, không ít lần viết trên giường bệnh để kịp gửi bài về tòa soạn. Không phải anh không biết giữ sức khỏe. Đọc, đi, nghĩ, viết, lâu nay vốn là thói quen, cần mẫn của anh, của những người làm báo có một tấm lòng, đầy thao thức, không dừng, không cưỡng lại được.

Ba tuần gần tết anh mệt và yếu đi thấy rõ. Xanh xao nhiều. Các bài bình luận Kinh tế - Tài chính - Xã hội với bút danh Nhi Phương (tên con gái đầu lòng) thưa dần và vắng trong mấy số báo cuối năm. Cuộc họp cuối năm âm lịch của cơ quan vắng anh. Anh em tòa soạn hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh ra sao, tôi nói: Anh Đình Lương bảo đủ sức khỏe để ăn, để vui 3 ngày tết và gửi lời chào, lời chúc năm mới đến toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên tòa soạn.

Vậy nên, sáng sớm mùng 4 khi tôi đang nghỉ tết tại Đà Nẵng cùng gia đình, Tuấn Việt - Phóng viên phòng Thị trường - Doanh nghiệp thường giúp anh lo một số việc lặt vặt (như nhận tiền nhuận bút thay, mang tin, bài đến nhà hoặc Phòng Thư ký Tòa soạn…) báo tin anh ra đi. tôi sững sờ, không tin vào một tin buồn như núi đổ đầu năm mới. Thì ra anh dự cảm và mách bảo đúng, là mình chỉ đủ sức để vui cùng gia đình, vợ con, bạn bè trong 3 ngày tết và gửi lời chào tạm biệt trước khi ra đi.

Tôi thật bất ngờ và nhói đau. Thì ra những người trước khi ra đi về bên kia thế giới thường có những tiên liệu chính xác về mình mà người khác, kể cả người thân nhất cũng không thể biết được. Anh ra đi vội vàng, nhanh chóng quá, để lại vô vàn tiếc thương cho bao người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cho toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ quan Thời báo Tài chính Việt Nam. Các bài bình luận thời sự kinh tế - tài chính - xã hội trên trang nhất mà bạn đọc gần xa luôn đón đọc từ nay đang có một khoảng trống. Đó là khoảng trống quyền lực của một thể loại, một ngòi bút đầy trải nghiệm.

Ngày mùng 4 tết sau khi nghe tin anh ra đi tôi trở lại Hà Nội. Trên chuyến bay cuối cùng trong ngày đọc lại bài báo cuối cùng của anh trên số báo xuân Giáp Ngọ, bài “Dặm dài miền Trung”, viết về tướng Giáp, về người dân miền Trung vẫn ngày ngày đến viếng tướng Giáp, cả tết đến xuân về, như một dặm dài của cuộc đời lượng chất, nhân quả, bất tận, theo luân hồi, tạo hóa. Không ngờ bài viết ấy trong chung riêng, gần xa, ý nhị, lại gần giống với vận số của anh, kể từ nay là một dặm dài hun hút.

Đọc xong tôi gấp tờ báo lại và thầm nghĩ với tính cách chân thật, giản dị như hạt lúa, hạt gạo và viết đầy trách nhiệm như anh trước hàng loạt vấn đề, đề tài của xã hội đang mong mỏi, thúc giục có lẽ trước khi ra đi anh cũng yên lòng vì đã làm tròn trách nhiệm của một người con của 3 vùng đất, quê quán: Nam Định, lớn lên: Thái Nguyên, từ tuổi trưởng thành gắn bó với Hà Nội, một nhà báo có tâm với nghề, luôn thao thức, trăn trở, dấn thân cùng cuộc sống. Nói như Văn hào Macxim - Goocky, viết ra một bài báo, làm ra một tác phẩm là tốn một phần xương thịt. Đừng sợ tốn xương thịt hãy viết để sáng lên. Nhà báo Trần Đình Lương là con người như vậy, chưa hề có dấu hiệu của sự mệt mỏi, lùi bước trong viết lách, dù năm tháng đằng đẵng hay bệnh tật... Và nữa, không dừng lại ở trang báo, anh đã làm tròn nghĩa vụ của một công dân tiêu biểu, của một người lính với quân hàm Trung tá trước khi chuyển ngành, đã từng lên đường nhập ngũ và sớm có mặt trên tuyến đầu đánh giặc vào những năm 1979 -1980 ở biên giới phía Bắc.

Sau ngày anh mất hai hôm, Tôi và nhà báo Tô Hải - Trưởng phòng Trị sự (Thời báo Tài chính Việt Nam) cùng tham khảo một vài tài liệu cá nhân nhất định để hiệu đính lần cuối bản tin buồn cho anh để kịp đăng báo, đưa tin, mới hay trong 34 năm cầm súng, cầm bút, đánh giặc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc anh vinh dự được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương vì Sự nghiệp Báo chí, dường như anh chưa từng kể, tâm sự cùng ai. Đó là thành tích đóng góp và tặng thưởng của Nhà nước cho riêng anh mà lâu nay anh cất giữ kín đáo, cẩn thận trong trùng điệp kỷ niệm của cuộc đời. Đúng là cuộc đời đôi khi như một giấc ngủ trưa, chẳng ai biết trước một điều gì, đúng thế phải không anh? Thương tiếc anh vô cùng anh Lương ơi! Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt nhà báo Trần Đình Lương - Người luôn trọn nghĩa,vẹn tình với anh em, với đồng chí, bạn bè và đồng nghiệp. /.

Hồ Phú Hội