Sức nóng lãi suất từ bên ngoài
Đầu tháng 11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,75 điểm phần trăm, lên mức khoảng 3,75-4% và cũng là mức lãi suất cao nhất trong vòng gần 15 năm qua. Với sự tăng lãi suất lần này, FED đã tăng lãi tổng cộng 6 lần, trong đó có 4 lần liên tiếp tăng với mức cao tới 0,75 điểm phần trăm, được đưa ra trong các tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Động thái tăng lãi suất của FED tiếp tục hâm nóng cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Bởi lẽ khi FED tăng lãi suất làm đồng USD mạnh lên, các ngân hàng trung ương khu vực và của quốc gia trên thế giới đều có xu hướng cũng phải tăng lãi suất theo để giữ giá đồng tiền của họ và kiềm chế lạm phát.
Cụ thể ngay sau khi FED tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, là mức tăng mạnh nhất kể từ 1989. Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của BoE và đã đưa lãi suất cơ bản của Anh đạt 3%.
Lãi suất ngoài thị trường, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã có xu hướng nhích tăng dần. |
Gần đây nhất vào cuối tháng 10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng lần thứ 3 tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục để chống lạm phát. Theo đó, ECB quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2%. Trước đó vào tháng 7/2022, ECB đã có 1 lần tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm ở khu vực Eurozone lần đầu tiên sau 11 năm và tới tháng 9, ECB tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và là mức tăng cao nhất trong một lần của ngân hàng này. Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng lãi suất cao hơn là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng này tác động có thể làm sụt giảm sức cầu về hàng hóa và dịch vụ dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế.
Theo phân tích của Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, việc tăng lãi suất là một trong những giải pháp thông thường nhằm kiểm soát lạm phát, nhưng điều này cũng có tác động phụ là làm ảnh hưởng sản xuất do chi phí tài chính tăng. Tuy nhiên, mục tiêu mà các nhà điều hành hướng tới khi lạm phát được kiểm soát nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ thì chính điều đó cũng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng về mặt lâu dài.
Cuộc đua lãi suất trong nước
Trong xu thế tăng lãi suất toàn cầu, hoạt động tiền tệ trong nước không thể nằm ngoài xu thế chung. Theo đó, sau một thời gian dài giữ cố định lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã phải 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành liên tục chỉ trong vòng 1 tháng.
Trong diễn biến lãi suất ngoài thị trường, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã có xu hướng nhích tăng dần thậm chí từ trước khi NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Sau đó, cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng đã hình thành rõ nét hơn sau lần tăng lãi suất điều hành lần 1 (vào cuối tháng 9) và nóng lên rõ rệt hơn sau lần tăng lãi suất điều hành lần 2 (vào cuối tháng 10).
Dự báo tác động của diễn biến tăng lãi suất Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia thuộc Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, lãi suất tăng thường sẽ có tác động bất lợi đối với các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản. Lý do là mặt bằng lãi suất cao cũng kéo theo dòng tiền vào các kênh đầu tư thu hẹp và có xu hướng chuyển dịch sang các kênh tiền gửi có lợi tức hấp dẫn trong tương quan với rủi ro thấp hơn. Ngoài ra, lãi suất tăng kéo theo chi phí tăng và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm, giá cả hàng hóa và giá bất động sản theo đó cũng tăng làm giảm nhu cầu tiêu thụ nói chung. Doanh nghiệp vì vậy sẽ hạn chế mở rộng, thậm chí thu hẹp quy mô sản xuất và quy mô các dự án đầu tư. Các hệ quả này sẽ khiến cho định giá doanh nghiệp kém hấp dẫn và triển vọng các thị trường cũng trở lên tiêu cực hơn. |
Nhìn vào các mức lãi suất được các ngân hàng công bố, lãi suất huy động cao nhất trên thị trường thậm chí đã lên tới 11%, với sản phẩm Happy Future của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng gây chú với lãi suất cao nhất lên tới 10,5%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) thì có sản phẩm Prime Saving với lãi suất tới 10,02%...
Tuy vậy, các mức lãi suất được đưa ra nhiều trường hợp nhằm thu hút sự chú ý, nhưng với những điều kiện và điều khoản kèm theo. Do đó, người gửi tiền khi so sánh lãi của suất ngân hàng này với ngân hàng khác cũng cần có sự phân tích kỹ càng các điều kiện để tránh hiểu lầm. Chẳng hạn, sản phẩm Happy Future kỳ hạn 9 tháng của Nam A Bank tuy đưa ra lãi suất lên tới 11%, nhưng chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu, 6 tháng còn lại khách hàng chỉ được hưởng lãi suất là 5,95%/năm. Tương tự, sản phẩm Happy Future của VP Bank chỉ áp dụng lãi suất 10,02%/năm cho tháng đầu tiên, tháng sau chỉ còn 8,35%/năm; còn NCB đưa ra điều kiện với khách hàng để được hưởng mức lãi suất 10,5% khá “ngặt nghèo”, đó là khách hàng phải gửi số tiền tối thiểu 500 tỷ đồng. Trong khi đó, một số ngân hàng cũng chào mời khách hàng gửi tiền với những mức lãi suất hấp dẫn, nhưng kèm theo việc phải tham gia mua bảo hiểm nhân thọ.