Xu thế tất yếu

Open banking là một thuật ngữ mới được phổ biến gần đây nhưng ngày càng được giới tài chính quan tâm bởi tính ưu việt của nó trong việc thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu, tăng tốc đột phá về năng suất trong hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ tài chính.

Cuộc thử thách “cân não”  trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng mở

Open Banking giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác.

Với mô hình này, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Trong đó, ứng dụng giao diện lập trình (API) là một dạng công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức, khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Khi được chia sẻ thông qua Open API, dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn.

Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng. Bằng cách khuyến khích các ngân hàng và các bên thứ ba kết nối với nhau thông qua các Open API của ngân hàng, trải nghiệm tài chính của khách hàng có thể được cải thiện mạnh mẽ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Open banking giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng. Điển hình, các ngân hàng thương mại hiện đại hóa công nghệ đa tiện ích như: Mobile banking, Internet banking, contactless payment, QR code… Nền tảng Open banking còn góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến …

Ở góc độ chuyên gia, theo ông Cấn Văn Lực - Kinh tế gia trưởng thuộc Ngân hàng BIDV, Open banking là mô hình rất mới, các quốc gia châu Á mới chỉ bắt đầu tiếp cận mô hình này chỉ từ khoảng 2017 – 2018 và đến nay tỷ trọng đóng góp của mảng này trong hoạt động chung của các ngân hàng châu Á cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của mô hình này được dự báo sẽ rất nhanh trong thời gian tới.

“Mobile banking đang tăng trưởng rất nhanh, thương mại điện tử dự báo tăng trưởng 25 – 30% trong vòng 2 năm tới… nên tiềm năng cơ hội đối với Open banking là rất lớn” - ông Lực đánh giá.

Hoàn thiện nền tảng pháp lý

Hoạt động của dịch vụ ngân hàng mở cho thấy những tính ưu việt vượt trội, đặc biệt là sự khai thác tối ưu những lợi thế của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng cho rằng, thực trạng cho thấy hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới còn chưa ổn định. Thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang chuẩn hóa, nhưng còn thiếu trong khi tỷ lệ giao dịch offline, giao dịch tiền mặt còn cao, đặc biệt ở các khu vực nông thôn tỷ lệ này ở mức rất cao.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thực trạng hiện nay cũng còn một số vấn đề như có những hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng chưa đầy đủ. “Với thực tế hiện nay, mô hình ngân hàng mở vừa là cơ hội kinh doanh mới vừa là một thách thức đối với các ngân hàng trong khoảng thời gian này. Nó thúc đẩy các ngân hàng tại Việt Nam bước vào công cuộc chuyển đổi số để tồn tại và phát triển”- ông Hùng nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện trạng khuôn khổ pháp lý về dịch vụ ngân hàng mở tại Việt Nam thực tế cũng đã có nhưng chưa đầy đủ.

Cụ thể, các quy định nằm rời rạc tại một số điều trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo mật thông tin khách hàng... Ở cấp văn bản dưới luật, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP (về việc giữ bí mật cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng) cũng có quy định khách có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin của chính khách hàng theo thỏa thuận giữa các bên và phù hợp với quy định của pháp luật. Một số văn bản về xử lý vi phạm về thông tin cá nhân cũng có một số nội dung liên quan.

Trong việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng mở, ông Dũng cho biết, thời gian tới các bên liên quan cần có sự phối hợp góp ý vào dự thảo các nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về định danh và xác thực điện tử, để các văn bản khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống một cách thực chất.

Tính ưu việt trong khả năng chia sẻ dữ liệu

Ngân hàng mở có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác.

Ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân (PFM) tốt hơn. Do đó, mô hình này thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, gây áp lực và buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính của họ hoặc hợp tác với các công ty Fintech.