Cân nhắc việc bổ sung một số hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế

Đánh giá chung, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục quản lý thuế và tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, cũng như việc khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Thuế GTGT hiện hành.

Góp ý về các nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đối tượng không chịu thuế. Theo đại biểu, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ, hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.

Đại biểu Trịnh Xuân An: Giá phân bón tăng không phải do tăng thuế

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương phát biểu

Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra, nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì hiện còn một số trường hợp khác như trường hợp các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã...

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không phải tính thuế GTGT như dự thảo Luật mới xác định.

Về đối tượng chịu thuế, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, dự thảo Luật liệt kê các đối tượng gồm 26 mục là rất cụ thể, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định một số trường hợp hàng hoá nhập khẩu không phải chịu thuế.

Về vấn đề này, đại biểu đề nghị cân nhắc vì hiện nay ở một số cửa khẩu, hằng ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do có giá trị nhỏ. Nếu tính thuế các mặt hàng thì không đáng bao nhiêu tiền mà lại tốn chi phí, thời gian.

Liên quan đến điều kiện khấu trừ áp thuế suất 0%, đại biểu Phạm Văn Hòa nhất trí với việc bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoàn thuế GTGT, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật để trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị xác định kỹ các trường hợp đặc thù để quy định vào Luật.

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác thì hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hoá sản xuất trong nước. Từ những phân tích trên, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này cho phù hợp thực tế.

Về quy định kê khai khấu trừ bổ sung, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng ý quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu doanh nghiệp kê khai sai, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để tăng số thuế khấu trừ, hoàn thuế thì đề nghị giữ như quy định hiện hành là không cho phép bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế, nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra và hậu kiểm, đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý thuế.

Thuế GTGT với phân bón: Cần đánh giá kỹ lưỡng nhiều chiều

Ngoài các nội dung trên, tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm góp ý về việc đưa phân bón vào thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 5%. Theo ý kiến một số đại biểu, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, việc đưa phân bón chịu thuế 5% có thể làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân.

Do đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như đánh giá tác động từ phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị đưa phân bón vào thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 0%.

Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu cũng nêu rõ, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan...

Đại biểu Trịnh Xuân An: Giá phân bón tăng không phải do tăng thuế
Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu cuối phiên thảo luận

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Luật Thuế GTGT là luật liên quan khoản thu lớn của ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng trong xã hội, đến nhiều điều ước quốc tế. Do đó, cần phải giữ được nguyên tắc trung lập, khách quan, để đảm bảo nền tảng tài chính thực sự vững mạnh. Cụ thể về quy định thuế GTGT 5% với phân bón, đại biểu đề nghị phải đưa ra được các quan điểm từ nhiều góc độ, nhiều chiều, để người dân có được cái nhìn toàn diện, khách quan.

Đề cập đến các ý kiến lo ngại về giá phân bón, đại biểu nêu rõ giá phân bón tăng thời gian qua không phải do tăng thuế, mà là do chi phí đầu vào, vật tư và nhiều yếu tố khác. Nếu lấy việc quy định thuế 5% để suy ra giá phân bón sẽ tăng rất nhiều thì chưa chính xác.

Ngược lại, nếu áp dụng quy định này, doanh nghiệp khi được khấu trừ 5% thì có thể có điều kiện đầu tư mở rộng, từ đó đưa giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, người dân cũng được hưởng lợi. Hơn nữa, để hỗ trợ cho người dân có nhiều phương án khác nhau chứ không chỉ giảm thuế.

Đại biểu cũng bày tỏ không đồng tình với ý kiến đề nghị áp dụng thuế GTGT 0% với phân bón, bởi quy định này chỉ áp dụng với hàng xuất khẩu, không thể phá vỡ nguyên tắc này./.