Xuất hiện khó khăn trong vận hành nguồn cung xăng dầu

Từ giữa tháng 9/2022 trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước… xảy ra tình trạng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ngưng bán hàng với nhiều lý do, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đời sống dân sinh.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực tế này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước. Đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Sang quý II/2022 (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.

Đảm bảo cung ứng xăng, dầu thông suốt trong mọi tình huống

Nguồn: petrolimex.com.vn

Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, khó khăn nữa mà doanh nghiệp gặp phải là tín dụng bị thắt chặt, trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VNĐ tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước, do giá tăng gấp 2 - 3 lần nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Hơn nữa, trong quý II/2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, giảm công suất xuống 55%, 50%, thậm chí có thời gian gián đoạn không còn sản xuất nên Bộ Công thương phải quyết định yêu cầu 10 đầu mối tăng nhập khẩu xăng dầu để bù lượng sản xuất trong nước.

Đặc biệt, tình trạng một số doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1 - 1,5 tháng do vi phạm hành chính dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép này.

Quy hoạch lại đầu mối thương nhân phân phối

Liên quan đến công tác quản lý điều hành xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã có sự phối hợp và đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu với Bộ Công thương.

Trả lời báo chí về tình trạng khan hiếm xăng dầu đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao thì cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.

Nước ta hiện có hàng trăm doanh nghiệp phân phối và 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nhưng trên thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu. Để đảm bảo nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, điều quan trọng nhất là cần phải xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất.

Xác định vị trí trọng trách được giao, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực 1, trực tiếp khảo sát Tổng kho Xăng dầu Đức Giang - thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Bộ Công thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục trong hoạt động điều phối kinh doanh, từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ, có lúc, có nơi chưa thật tốt. Một số thời điểm chưa cung ứng xăng dầu kịp thời đến những nơi cần thiết. Bên cạnh đó, dự trữ thương mại có lúc chưa bảo đảm về khối lượng và thời gian theo đúng quy định. Ở một số khu vực, dự trữ nhà nước còn bị trộn lẫn với dự trữ thương mại. Điều kiện để thực hiện dự trữ đạt yêu cầu theo quy định hiện hành, nhưng trên thực tế có những nơi chưa phù hợp với thực tiễn.

Nhằm đảm bảo nguồn cung, Bộ Công thương cũng sẽ đề nghị 2 nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đầu mối đang gặp khó khăn về nguồn cung, bán hàng tại khu vực thiếu hàng cục bộ. Đặc biệt, tăng sản lượng sản xuất xăng cho thị trường trong nước. Bộ Công thương sẽ rà soát nhập khẩu, tổng nguồn và có phân giao phù hợp cho thương nhân đầu mối trong quý IV/2022.

Ông Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, sẽ tiến hành rà soát và có biện pháp quy hoạch lại đầu mối thương nhân phân phối; giao cho Petrolimex và Công ty Xăng dầu khu vực I tập trung triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, dự trữ xăng dầu theo quy định hiện hành, đồng thời chấn chỉnh, xốc lại tổng thể các mối liên kết trong chuỗi cung ứng hoạt động kinh doanh xăng dầu từ tập đoàn đến các đơn vị bán lẻ, kể cả ngoài hệ thống của mình.

“Bộ Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Trong đó, tập đoàn cần tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên với cấp dưới đối với các đơn vị thành viên, các đơn vị thành viên đối với các vệ tinh, từ thương nhân phân phối đến các cửa hàng bán lẻ; kiểm tra, giám sát uốn nắn, xử lý theo quy định” - ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.