Không chủ quan trước số thu đang giảm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng đang trong xu hướng giảm. Bộ Tài chính đã thống kê cụ thể các con số này, theo đó: thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; ước thực hiện tháng 5 đạt 6,4% dự toán. Nếu không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của ngân hàng nhà nước, thì số thu nội địa 5 tháng bằng khoảng 97,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn sâu vào thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 53,3% dự toán thu nội địa) cho thấy, số thu 5 tháng ước đạt 49,5% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu không kể thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khá so dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 3/5 kỳ theo quy định, thì số thu của 3 khu vực này lại giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Phân tích kỹ hơn về số thu trên địa bàn, ước tính có 17/63 địa phương thực hiện thu nội địa 5 tháng đạt trên 48% dự toán; 13/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Mới đây, trong cuộc họp giao ban công tác nhìn lại kết quả 5 tháng và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Bộ Tài chính, lãnh đạo các đơn vị thuế, hải quan đã làm rõ những nguyên nhân khiến số thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm so với cùng kỳ. Theo quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 663.843 tỷ đồng. Số thu này bằng 48,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,9% so với cùng kỳ.
Theo ông Mai Xuân Thành, thu NSNN vẫn đảm bảo theo tiến độ dự toán, nhưng so với các năm trước thì đây là mức thu thấp nhất trong vòng 14 năm. Nếu loại trừ các khoản thu phát sinh theo quý, tháng và các khoản thu đột biến thì diễn biến thu các tháng vẫn trên đà giảm, dự báo các tháng tới cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Tương tự, đối với số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu do ngành Hải quan quản lý, thu ngân sách trong tháng 5/2023 cũng giảm 6,23% so với tháng trước. Số thu lũy kế 5 tháng đạt 152.942 tỷ đồng, bằng 36% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Toàn ngành Tài chính cùng nỗ lực vào cuộc
Phân tích nguyên nhân số thu tháng 5/2023 thấp hơn tháng trước đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, là do kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu lớn giảm như: ô tô nguyên chiếc các loại đạt 7,6 nghìn chiếc, trị giá đạt 189,5 triệu USD, giảm 37,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá, làm giảm thu 1.287 tỷ đồng; sắt thép các loại đạt 675 nghìn tấn, trị giá đạt 555 triệu USD, giảm 22,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá, làm giảm thu 253 tỷ đồng; điện thoại các loại và linh kiện đạt 166 triệu USD, giảm 27,1%, làm giảm thu 180 tỷ đồng. Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho hay, mức giảm thu ngân sách tháng sau sâu hơn tháng trước và sâu hơn cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo các tháng tới cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc Theo quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, thu ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo theo tiến độ dự toán, nhưng so với các năm trước thì đây là mức thu thấp nhất trong vòng 14 năm. Nếu loại trừ các khoản thu phát sinh theo quý, tháng và các khoản thu đột biến thì diễn biến thu các tháng vẫn trên đà giảm, dự báo các tháng tới cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc. |
Những dự báo số thu có xu hướng giảm đã được người đứng đầu ngành Thuế, Hải quan dự báo từ những tháng đầu năm. Còn nhớ vào tháng 3/2023, khi đánh giá lại tình hình thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã dự báo, từ thời điểm đó cho tới tháng 6/2023, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không tăng nhiều do các đơn hàng không đột biến. Tuy nhiên, tình hình sẽ khả quan hơn vào các tháng cuối năm, do các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, đến thời điểm này, số thu do ngành Thuế quản lý ước đạt 663.843 tỷ đồng, bằng 48,3% so với dự toán pháp lệnh đã là sự cố gắng lớn của đơn vị.
Ngành Thuế đã tổ chức nhiều hội nghị bàn về giải pháp tăng thu ngân sách, trên tinh thần rà soát tất cả các khoản có thể thu, các khoản tiềm năng, cùng với đó, Tổng cục Thuế tổ chức công tác thu bằng cách khoán thu đến từng đơn vị... hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách mặc dù còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu ngành Thuế khẳng định, cơ quan thuế sẽ theo sát tình hình để cố gắng thu đạt dự toán được giao.
Nhận định tình hình thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tương đối khó khăn, do đó, từ đầu năm, ngành Hải quan đã chủ động chỉ đạo các cục hải quan địa phương, đặc biệt là 8 cục hải quan lớn triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng thu ngân sách. Cơ quan hải quan đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đặc biệt là tại các địa bàn có kim ngạch xuất nhập khẩu có số thu lớn, từ đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần tăng thu NSNN.
Thời gian tới, ngành Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt gỡ khó trong thực hiện thủ tục nộp thuế, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong thực thi công vụ…
Thu theo chỉ tiêu dự toán Trong cuộc họp giao ban mới đây của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhận xét, số thu ngân sách đến thời điểm này đảm bảo dự toán giao, tuy nhiên số thu có xu hướng giảm liên tiếp. Trong những tháng tới, công tác thu ngân sách sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế, phí, nhất là giảm 2% thuế giá trị gia tăng và giảm một số loại thuế, phí sẽ tác động đến thu ngân sách. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, đặc biệt Vụ NSNN phải chủ động có phương án điều hành, kể cả điều hành tổng thể NSNN và điều hành đối với ngân sách địa phương. Tới đây, các cơ quan thu sẽ tăng cường áp dụng nhiều giải pháp, nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, giải quyết được các trường hợp nợ đọng thuế, đảm bảo thu theo chỉ tiêu dự toán. Người đứng đầu ngành Tài chính, tại các cuộc giao ban công tác của bộ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã biểu dương toàn ngành thời gian qua không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong những tháng đầu năm. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các đơn vị nhất là cơ quan thuế, hải quan cần bám sát tình hình sức khỏe của doanh nghiệp để có phương án tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành chính sách tài khóa. Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực thi các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và đạt được các mục tiêu của chính sách tài khóa. Đồng thời, Bộ Tài chính chú trọng việc phối hợp với các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ. Đối với cơ quan thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị tập trung vào nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; tăng cường quản lý hóa đơn điện tử; thu thuế thương mại điện tử; hoàn thuế giá trị gia tăng… “Chính sách tài khóa dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, do đó, thời gian tới tiếp tục theo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách nhà nước” - người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định. |