Dấu hiệu hồi sinh trên vùng “Bát giác kim cương”

TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế cả nước được dự báo sẽ phát triển mạnh
trong năm 2022.

PV: Thưa ông, năm 2021 đã chính thức khép lại, xin ông đánh giá về những nỗ lực vượt qua khó khăn để TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đạt được những mục tiêu cơ bản của năm 2021, tạo đà cho bước phát triển bình thường mới?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) còn được mệnh danh là “bát giác kim cương”, gồm: TP. Hồ Chí Minh (HCM), Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Trước khi có làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra, đây là khu vực kinh tế năng động và tăng trưởng cao nhất cả nước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2%, nhưng GDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách, trong đó, có 4 địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương thuộc nhóm cao nhất (TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương).

Dấu hiệu hồi sinh trên vùng “Bát giác kim cương”
TS. Nguyễn Văn Hiến

Tuy nhiên, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các địa phương thuộc vùng KTTĐPN đã phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của cả vùng. Do phải thực hiện giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ) nên sản xuất bị đình đốn, các chuỗi cung ứng và tiêu thụ bị đứt gãy. Hàng triệu lao động bị mất việc làm hoặc làm cầm chừng, trên 90% doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, khách sạn, vận tải, ăn uống, vui chơi giải trí bị tê liệt….

Tại TP. HCM, đầu tàu kinh tế của Việt Nam từng ghi nhận thành tích GRDP nửa đầu năm nay đạt 680.328 tỷ đồng (tăng 5,46%), mức cao nhất trong vòng năm 5 trở lại đây. Đến tháng 6, kinh tế thành phố vẫn ổn, tuy nhiên đến tháng 7, 8 và 9 mọi thứ bắt đầu trở xấu. Những tổn thương nghiêm trọng đã xảy ra ở các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hàng trăm ngàn lao động bị mất việc, đời sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, thành phố đã phải chịu mức tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%.

Các tỉnh khác thuộc vùng KTTĐPN cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Bình Dương, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 chỉ đạt khoảng 2,79% (năm 2020 tăng trưởng 6,91%, nghị quyết đề ra chỉ tiêu năm 2021 tăng trưởng 8,5 – 8,7%). Tại Đồng Nai, kinh tế của tỉnh trong 9 tháng cũng hết sức khó khăn, tăng trưởng của hầu hết các lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch... bị sụt giảm, đặc biệt trong quý III/2021. Các tỉnh khác trong vùng như Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tình trạng tương tự.

Với những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, đến đầu quý IV/2021, dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Các địa phương đã lập tức thay đổi trạng thái “sống chung với Covid” thay vì “Zero Covid”. Hàng loạt các chính sách, các biện pháp nhằm hỗ trợ và phục hồi kinh tế đã được triển khai như: bãi bỏ ngăn sông cấm chợ và hạn chế đi lại, sử dụng các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp…. Chính phủ cũng ban hành hàng loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp như: miễn, giảm thuế, phí, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… Các chính sách và biện pháp này đã phát huy tác dụng và dần giúp các doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch.

PV: Dưới góc nhìn tổng quát, xin ông có một số phác thảo nhận định về khả năng phục hồi của nền kinh tế TP. HCM và khu vực, KTTĐPN trong năm 2022?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Cho đến nay, mặc dù vẫn còn hàng ngàn ca dương tính mỗi ngày, tuy nhiên theo nhận định của ngành Y tế, dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát ở vùng KTTĐPN. Nhờ sự hỗ trợ của trung ương, hầu hết người dân trong vùng đã được tiêm 2 mũi vắc-xin. Chiến lược mới đã được đưa ra là “sống chung với Covid-19”. Giờ là lúc các địa phương trong vùng tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện phòng chống dịch theo quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề nền kinh tế, gây khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, nhưng khủng hoảng kinh tế lần này khác về bản chất với các lần trước đây - chủ yếu vẫn là do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nên đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi tiêu thụ, thị trường bị đình đốn và thu hẹp nhất thời. Vì vậy, mặc dù khủng hoảng nhưng yếu tố cung cầu và các nguồn lực của sản xuất kinh doanh (SXKD) về cơ bản vẫn còn đó, chỉ cần kiểm soát tốt dịch bệnh, bỏ giãn cách xã hội, khai thông thị trường và Nhà nước có các biện pháp, nguồn lực hỗ trợ thì hoạt động SXKD sẽ “bung” mạnh trở lại, kinh tế sẽ sớm phục hồi.

PV: Vậy ông có thể nhắc đến những tín hiệu lạc quan từ các địa phương ngay trước thềm năm mới 2022?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Trong tháng 12/2021, hầu hết các địa phương vùng KTTĐPN đều đồng loạt tổ chức hội nghị Đảng bộ tỉnh/thành phố. Nội dung chủ yếu tại các hội nghị này là tập trung bàn các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi kinh tế. Theo đó, nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022. Hàng loạt biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo đã được đưa ra và triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Và ngay trong quý IV/2021, đã có nhiều tín hiệu lạc quan về phục hồi kinh tế ở các tỉnh/thành vùng KTTĐPN.

Những tín hiệu đáng mừng trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đang tạo sức sống mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐPN. Hoạt động sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ là do sau thời gian ngưng sản xuất để phòng, chống dịch Covid-19, nay tái sản xuất trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc để kịp tiến độ giao hàng vào những tháng cuối năm khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Mặt khác, các địa phương đã ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường...

Riêng TP. HCM, đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước đã quyết liệt đặt ra chủ đề cho năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6 - 6,5%”, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM cũng thống nhất không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

PV: Xin cảm ơn ông!

Năm 2022 kinh tế khu vực sẽ lạc quan

Như vậy có thể thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiều nút thắt phải tháo gỡ nhưng vẫn có thể dự báo viễn cảnh lạc quan rằng, năm 2022 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ về kinh tế xã hội, sớm lấy lại vị thế vốn có là vùng kinh tế trọng điểm, là đầu tàu kinh tế của cả nước.