>> Thoái vốn ngoài ngành vẫn chưa đạt yêu cầu

>> Tái cơ cấu đầu tư công: Đã cơ bản khắc phục 'bệnh' dàn trải

Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội vừa có báo cáo đánh giá về việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Tập trung đánh giá sở hữu chéo

Về lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), báo cáo cho biết, tính đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại đối với 9 NHTMCP yếu kém. Ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang xin ý kiến chỉ đạo về phương án có sự tham gia vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài.

Trong năm 2012 và 7 tháng của năm 2013, các NHTM tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được 86,3 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 7/2013, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu là 138,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,58% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, báo cáo của UBKT cho rằng kết quả tái cơ cấu các NHTMCP yếu kém vẫn chưa đáp ứng theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu. Việc xử lý nợ xấu mới ở giai đoạn đầu, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có dấu hiệu giảm, tuy nhiên chưa bền vững và những giải pháp vẫn chưa góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả.

UBKT đề nghị cần tập trung rà soát, đánh giá tình trạng sở hữu chéo và công khai, minh bạch hoạt động DN, cá nhân là cổ đông lớn, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó của tổ chức tín dụng. Tiếp tục yêu cầu các NHTM tự tái cơ cấu, tăng cường trích lập đủ dự phòng rủi ro và nâng cao hoạt động hiệu quả các công ty mua bán nợ của các NHTM. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin, nhất là công khai về xử lý nợ xấu.

VNPT
Quá trình tái cơ cấu DNNN còn chậm. Ảnh: nguồn VNPT

Làm rõ về nợ xây dựng cơ bản

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, báo cáo cho biết Chính phủ đã thực hiện rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2011 – 2015. Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống 37,1% trong 9 tháng 2013.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá tỷ lệ đầu tư công giảm từ 8,5% GDP năm 2010 xuống còn 6% năm 2012, trong khi chưa có các biện pháp đột phá để huy động các nguồn vốn khác tham gia đầu tư ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư toàn xã hội, nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công đã bộc lộ mặt trái, việc cắt giảm vốn đầu tư công chưa gắn với việc nâng cao hiệu quả đầu tư, chưa thực sự hợp lý, gây nên tình trạng nhiều công trình đang xây dựng dở dang, lãng phí, tác động tiêu cực đến tâm lý người dân và tăng khó khăn cho DN là nhà thầu xây dựng.

UBKT đề nghị bố trí đủ vốn, giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công để thanh toán nợ xây dựng cơ bản cho DN, tạo tiền đề cho DN tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Làm rõ trách nhiệm về trả nợ XDCB ở các địa phương và có cơ chế xử lý nhanh tình trạng này. Để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư công, có thể cân nhắc việc nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm tăng các nguồn vốn đầu tư khác như nguồn vốn FDI, nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước bù đắp nguồn vốn đầu tư công giảm dần theo lộ trình.

Kiên quyết tái cơ cấu các DNNN lớn

Đánh giá về công tác cổ phần hóa DNNN, báo cáo cho rằng việc triển khai còn chậm (năm 2013 chỉ CPH được 25 DN), chưa có tính chiến lược, rời rạc, chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Việc thoái vốn ngoài ngành khó khăn, nhất là trong điều kiện thị trường không thuận lợi.

UBKT nhấn mạnh việc khẩn trương, kiên quyết tiến hành tái cơ cấu số lượng lớn DNNN tác động đến tăng trưởng kinh tế hay kinh tế vĩ mô. Việc chậm tiến hành tái cơ cấu đã làm kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế, chậm thúc đẩy thị trường vốn phát triển, giảm niềm tin của các nhà đầu tư./.

Hoàng Yến