26

Các đại biểu tham quan gian hàng OCOP của huyện tại Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hà lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện (1/11/2001 – 1/11/2021), phóng viên TBTCVN đã trò chuyện cùng ông Hoàng Phi Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

PV: Được biết, ngày 29/8/2001, thời điểm sau khi chia tách huyện Quảng Hà, huyện Hải Hà đã chính thức được thành lập. Xin ông cho biết, những khó khăn và thuận lợi của huyện sau khi thành lập?

Ông Hoàng Phi Trường: Ngày 29/8/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà, tỉnh Quảng Ninh thành hai huyện Hải Hà và Đầm Hà. Ngày 1/11/2001, huyện Hải Hà chính thức đi vào hoạt động, ghi dấu mốc quan trọng để nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện bước vào thời kỳ mới: Phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

pv26

Ông Hoàng Phi Trường

Tại thời điểm chia tách, huyện Hải Hà có 46.995 nhân khẩu và 16 đơn vị hành chính trực thuộc. Phạm vi và quy mô vừa phải là điều kiện tốt để Đảng bộ huyện lãnh đạo phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ quản lý và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như bố trí cán bộ sát thực tế công việc, thuận lợi với từng địa bàn.

Tuy nhiên, huyện cũng đối diện với không ít khó khăn, nhất là xuất phát điểm thấp của của một địa bàn thuần nông: Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông - lâm - ngư nghiệp (chiếm trên 80%); tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm chỉ từ 3 - 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đói của huyện cao, trên 18%, tập trung ở một số bộ phận dân cư vùng sâu, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.

PV: Chặng đường 20 năm phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hà đã mang đến thành tựu đáng ghi nhận. Ông có thể nói rõ vấn đề này không, thưa ông?

Ông Hoàng Phi Trường: Kết thúc chặng đường 10 năm đầu sau khi thành lập đến 2011, kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định và có mức tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm, tăng gần 4 lần so với năm 2001. Thu ngân sách tăng 3,6 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 4 lần so với năm 2001.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,74%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định.

Với những thành tích đã đạt được trong 10 năm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hải Hà đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Tỉnh Quảng Ninh trao tặng bức trướng với dòng chữ “Tích cực, chủ động, phát huy thế mạnh xây dựng huyện Hải Hà ngày càng phát triển”.

Từ 2011 - 2021 là giai đoạn Hải Hà có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sau 20 năm thành lập, tổng dân số của huyện có trên 64.000 người, với 11 dân tộc anh em. Huyện có 1 thị trấn và 10 xã, 114 thôn, bản khu phố.

Toàn huyện có 35 chi bộ, đảng bộ trực thuộc, gồm 17 đảng bộ (11 đảng bộ xã, thị trấn; 2 đảng bộ cơ quan hành chính, 2 đảng bộ lực lượng vũ trang, 2 đảng bộ đơn vị sự nghiệp), 18 chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước; 208 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số gần 3.196 đảng viên. Từ một huyện thuần nông, Hải Hà hôm nay mang diện mạo mới của một huyện công nghiệp, dịch vụ.

Hải Hà là một trong những đơn vị đi đầu của tỉnh trong tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiệm kỳ 2015 - 2020 bình quân hàng năm đạt 26,19%, thu ngân sách tăng bình quân 13,68% mỗi năm; riêng năm 2020 đạt 272,46 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 76,3 triệu đồng, gấp 15 lần so với năm 2001. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,2%, thương mại - dịch vụ chiếm 38,6%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 8,2%.

Bộ mặt kinh tế của huyện đã hoàn toàn đổi mới. Điều này phải kể đến sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các đơn vị trên địa bàn huyện. Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà được đầu tư đi vào hoạt động và sản xuất trên địa bàn huyện từ năm 2015 và trở thành trung tâm công nghiệp dệt may khu vực miền Đông của tỉnh.

Đến nay, khu công nghiệp có 17 dự án, trong đó có 16 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, sử dụng trên 11.000 lao động, trong đó trên 4.000 lao động là người Hải Hà. Hoạt động của khu công nghiệp đã góp phần thúc đẩy, phát triển vượt bậc nền kinh tế - xã hội của huyện. Quy mô kinh tế tăng gấp 3,2 lần so với năm 2015.

Lao động khu vực nông thôn mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm hộ nghèo, kết thúc năm 2020 chỉ còn 0,9%; giảm mạnh tình trạng lao động trên địa bàn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động.

PV: Những năm gần đây, các khu công nghiệp, cảng biển, ngành du lịch phát triển đã đóng góp vào kinh tế - xã hội của huyện như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Phi Trường: Du lịch trở thành ngành kinh tế mới, bước đầu đã góp phần vào việc định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bước đột phá đó là tạo nên diện mạo mới về hạ tầng, hành chính và nguồn nhân lực cho huyện.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là kết cấu hạ tầng tại khu công nghiệp - cảng biển; hạ tầng khu du lịch đảo Cái Chiên, trong đó nổi bật là việc kéo điện lưới ra đảo; hạ tầng cửa khẩu Bắc Phong Sinh; nâng cấp đô thị thị trấn Quảng Hà; nâng cấp các tuyến đường, tuyến kênh, mương, đập phục vụ xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn, bản trên địa bàn huyện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Huyện thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại; tập trung triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, định hướng 2030; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn lên 67%.

An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%. Hệ thống trường, điểm trường, lớp học các cấp học phát triển rộng khắp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đến nay toàn huyện có 42/43 trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn chất lượng giáo dục.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm sâu xuống còn 1,51%. Toàn huyện không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

PV: Trong bối cảnh cả nước đang chung tay chống dịch, Quảng Ninh nói chung, huyện Hải Hà nói riêng đã giữ vững được "vùng xanh" và thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vậy ông có thể cho biết các biện pháp mà huyện đã triển khai?

Ông Hoàng Phi Trường: UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chính quyền huyện tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, đã ban hành 60 văn bản chỉ đạo phòng chống dịch: tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, các hàng quán đường phố, vỉa hè, khách sạn, nhà nghỉ...; chỉ đạo xây dựng phương án cách ly phòng chống dịch Covid-19 và phương án cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong trường hợp cách ly toàn xã hội trong 30 ngày; tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn huyện.

Đến nay đã tiêm cho 19.817 người, trong đó 18.819 người đã được tiêm mũi 2. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh... thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, quét mã QR Code và xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên hàng tuần theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Về phát triển kinh tế, huyện tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra các cơ sở cung cấp nhu yếu phẩm trên địa bàn huyện, các xã, thị trấn chủ động triển khai tăng thu ngân sách, tập trung công tác quản lý mặt bằng, quản lý đất đai, quy hoạch...

PV: Xin cảm ơn ông!

Xây dựng Hải Hà thành huyện công nghiệp - dịch vụ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hà lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu: "Xây dựng Hải Hà trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ, với hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025”.

Lan Hương (thực hiện)