Theo Bộ Công thương, trong năm 2023 vừa qua, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được nhận trợ cấp trái với cam kết quốc tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

Điều tra 27 vụ việc phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất hàng Việt Nam
Điều tra 27 vụ việc phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất hàng Việt Nam. Ảnh: minh hoạ

Tính đến nay, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 27 vụ việc PVTM.

Các mặt hàng điều tra khá đa dạng, gồm: các sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất (sorbitol, sợi filament, màng BOPP), vật liệu xây dựng (kính nổi, gỗ MDF), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng HFCS), trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng gắn với đời sống của người nông dân như sản phẩm đường, bột ngọt (liên quan tới cây mía), sorbitol (liên quan tới cây sắn).

Các biện pháp PVTM đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm khoảng 9,5% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2022) và công ăn việc làm của hàng triệu người lao động, người nông dân trong các lĩnh vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ngành hàng nhạy cảm như nông nghiệp...

Trong năm 2024, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, lành mạnh hoá hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.