Ghi nhận những thay đổi tích cực và minh bạch của các quy định về thuế

Tại Sách Trắng 2023, doanh nghiệp châu Âu ghi nhận nỗ lực của Chính phủ đã và đang tiếp tục cải cách môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam để đưa đất nước trở thành một điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn hơn nữa.

Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ thuế trong năm 2022
Đại diện ban lãnh đạo EuroCham tại sự kiện

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2021, 8 trên 9 hoạt động hành chính đạt điểm cao hơn vào năm 2021 so với năm 2020, thể hiện sự cải thiện trong thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước. Mức tăng mạnh nhất là trong các thủ tục về thuế và kiểm tra chuyên ngành.

Sách Trắng 2023 cũng nhấn mạnh, Việt Nam đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020. Ngân hàng Thế giới nhận thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt trong nhiều lĩnh vực như “cấp tín dụng” và “nộp thuế”.

Chia sẻ tại phiên đối thoại trong lễ công bố Sách Trắng 2023, ông Thomas McClelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá thuộc EuroCham khẳng định: “Tiểu ban Thuế và Chuyển giá chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp trong năm 2022 với các chính sách thuế hiệu quả bao gồm gia hạn, giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), cũng như những thay đổi tích cực và minh bạch của các quy định về thuế như thông tư về quản lý thuế, bao gồm thuế thương mại điện tử”.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, trong các chính sách hỗ trợ năm 2022, doanh nghiệp rất ấn tượng và thấy hiệu quả nhất là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho nhiều loại mặt hàng, dịch vụ chịu thuế suất 10%. Chính sách này đã giúp giảm giá thành đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất- kinh doanh.

Hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Cũng tại lễ công bố Sách Trắng 2023, các tiểu ban của EuroCham cũng đưa ra một số khuyến nghị về thuế như: chính sách ưu đãi để khắc phục tác động của mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% (Trụ cột 2 của OECD); khấu trừ thuế GTGT đầu vào liên quan đến phần thuế GTGT của thuế nhà thầu do nhà thầu nước ngoài nộp trực tiếp thông qua cổng thông tin nộp thuế trực tuyến…

Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ thuế trong năm 2022
Đại diện Bộ Tài chính phản hồi các ý kiến của doanh nghiệp châu Âu

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Thành Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính tiếp thu và sẽ nghiên cứu những ý kiến đóng góp để báo cáo các cấp có thẩm quyền đưa vào sửa các luật trong thời gian tới.

Ông Hưng cũng thông tin, đối với những kiến nghị cụ thể, Bộ Tài chính đã có công văn gửi EuroCham ngày 29/12/2022, trả lời rất rõ và kỹ những nội dung chi tiết. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, các cục thuế, cục hải quan địa phương thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp, có các tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế. Vì vậy, những trường hợp cụ thể của các doanh nghiệp gắn với từng địa phương các doanh nghiệp cần làm việc trực tiếp với các cơ quan tại địa phương.

Trả lời câu hỏi liên quan tới chính sách ưu đãi để khắc phục tác động của mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, bà Mạnh Thị Tuyết Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam hiện cũng đang rất quan tâm và trong giai đoạn 2024 sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu. Hiện nội dung về thuế suất tối thiểu toàn cầu đã được đưa vào chương trình sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Thông tin tới các doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng nêu tổng thể chương trình kế hoạch sửa các luật thuế trong đó có 3 luật thuế chính là thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bà Mai cho biết, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi ưu đãi thuế liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái là tổ trưởng và Bộ Tài chính là một thành viên trong tổ công tác này. Về phần mình, Bộ Tài chính cũng đã ban hành quyết định 157 thành lập nhóm giúp việc của tổ công tác đặc biệt.

“Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hành động cũng như lộ trình chi tiết thực hiện các nội dung liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu và có phân công các bộ ngành có đánh giá tác động liên quan đến khi áp dụng thuế suất này và mong các bộ ngành có đề xuất các giải pháp về thuế, về cơ sở hạ tầng… để đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan” - bà Mai thông tin.

Theo bà Mai, liên quan tới thuế suất tối thiểu toàn cầu thì không chỉ có luật về thuế, chỉ sửa luật về thuế bởi nếu chỉ sửa luật thuế thì sẽ bị vi phạm cam kết theo khuyến nghị của OECD nên cần nghiên cứu để sửa đổi tổng thể các luật.

Chia sẻ thêm xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, đối với thuế tối thiểu toàn cầu, cần phải tuân thủ nguyên tắc không xáo trộn các luật, tức là phải đảm bảo đầy đủ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước.

EuroCham khuyến nghị các chính sách ưu đãi để khắc phục tác động của mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%

Chính phủ Việt Nam nên hợp tác với các nước đang phát triển khác để đàm phán các điều kiện hạn chế ngoại lệ nhằm bảo vệ các lợi ích ưu đãi thuế của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cụ thể (ví dụ: mức độ sử dụng lao động, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa phát triển kinh tế, v.v.); hoặc giai đoạn chuyển tiếp/gia hạn đăng ký (ví dụ: 2-3 năm) đối với đầu tư vào các nước đang phát triển.

Việt Nam có thể đàm phán với các nước nơi nhà đầu tư nước ngoài cư trú/thành lập để ký các hiệp định song phương về việc không áp dụng Trụ cột 2 của OECD cho các dự án đầu tư cụ thể.

Việt Nam có thể xem xét sửa đổi các luật thuế trong nước để đưa ra các chính sách khuyến khích thay thế (ví dụ: ưu đãi dựa trên chi phí, miễn thuế nhập khẩu, thời gian hưởng ưu đãi thuế đất dài hơn…).