nghi tet

Thời gian nghỉ tết dài để tạo điều kiện cho những lao động làm việc ở xa gia đình. Ảnh minh họa: MĐ.

Đề xuất nghỉ Tết Âm lịch theo hai phương án tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp tại hội thảo góp ý sửa đổi Bộ luật Lao động từ cộng đồng doanh nghiệp, diễn ra ngày 14/5.

Cụ thể, với phương án 1, ban soạn thảo đề xuất giữ nguyên như hiện hành, tức là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Với phương án 2, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.

Phương án giữ nguyên như quy định hiện hành được nhiều hiệp hội doanh nghiệp đồng tình.

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị giữ nguyên lịch nghỉ Tết Âm lịch theo phương án 1. Theo ông Cẩm, riêng với ngành dệt may có rất nhiều lao động ở xa gia đình, nên thời gian nghỉ dài sẽ tạo điều kiện để người lao động có động lực quay trở lại làm việc hơn. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khẳng định, thực tế rất nhiều doanh nghiệp của ngành tại khu vực phía nam đã cho người lao động nghỉ Tết Âm lịch đến ngày 15 tháng giêng.

Cũng là một trong những ngành thu hút nhiều lao động, nhất là lao động ở các địa phương về làm việc, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam tán thành với phương án giữ nguyên lịch nghỉ như hiện hành, tức là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Theo bà Hương, người lao động ở xa cần có thời gian để di chuyển về quê vào mỗi dịp nghỉ như vậy, nên việc thay đổi lịch nghỉ là không cần thiết.

Trong khi đó, bà Đào Thị Thu Huyền - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nêu ý kiến, thời gian nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày cộng với ngày nghỉ bù kéo dài khoảng một tuần là phù hợp với người lao động, nhất là với những lao động xa quê cần có thời gian di chuyển.

Lý giải về 2 phương án đề xuất nghỉ Tết Âm lịch trong dự thảo, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian nghỉ tết của Việt Nam trên thực tế đang có sự lệch pha so với thế giới, bởi vì trong khi nhiều nước trên thế giới nghỉ Tết Dương lịch nhiều, thì Việt Nam lại nghỉ Tết Âm lịch nhiều hơn, điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Thiện cũng cho biết, hiện nay ban soạn thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị thời gian nghỉ Tết Âm lịch ngắn lại, thậm chí có thể chuyển những ngày nghỉ bù sang những dịp nghỉ khác, để các dịp nghỉ của Việt Nam cân bằng hơn so với các nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, thời gian nghỉ Tết Âm lịch nên quy định 5 ngày, còn việc nghỉ bù sẽ do Chính phủ quy định chứ không nên quy định cứng trong luật./.

Mai Đan