Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Đức Minh. |
Tách bạch, phân định rõ chức năng trong quản lý vốn nhà nước
Việc thực hiện Luật số 69/2014/QH13 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật số 69 đã thực hiện được hơn 10 năm. Hiện nay, bối cảnh tình hình đất nước đã thay đổi, đặc biệt những yêu cầu phát triển mới cũng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ mới.
Cho biết tại hội thảo, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu: Trong Nghị quyết số 12-NQ/TW, Trung ương yêu cầu xác định Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện, cũng như đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cần xác định lại đối tượng điều chỉnh của Luật.
Ông Mạnh lưu ý, việc xây dựng luật mới về nội dung này là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng của chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước với chức năng quản trị doanh nghiệp, cũng như chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh. |
Chia sẻ quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, dự thảo Luật là luật rất quan trọng, tác động đến các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp quân đội.
Dự thảo sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2024 tới đây và trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2025. |
Do tác động lớn, nên ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến một cách rộng rãi, đóng góp thiết thực cho việc hoàn chỉnh dự thảo luật vừa sát thực tiễn, vừa tạo đà phát triển trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay, với các nhóm chính sách được đưa ra trong dự thảo, Bộ đã nhận được nhiều phản hồi của doanh nghiệp. Ban soạn thảo đã và đang tiếp tục ghi nhận để hoàn thiện thêm.
“Chủ trương của Đảng và Nhà nước là các doanh nghiệp hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, không có sự thiên vị, ưu tiên các thành phần doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, phải đảm bảo khi một đồng vốn Nhà nước bỏ vào doanh nghiệp và tạo điều kiện cho lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng thì phải bảo toàn, phát triển nguồn vốn, tạo ra được công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận, thực hiện nộp ngân sách cho nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước ngày một lớn mạnh, làm ăn hiệu quả” - người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển lớn mạnh, song khối doanh nghiệp FDI với khoảng 73% - 75% sản phẩm xuất khẩu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam phải lớn mạnh lên, nhất là doanh nghiệp nhà nước phải tạo ra đột phá để phát triển, đi vào những lĩnh vực khó, lĩnh vực sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để có được điều này thì chính sách pháp luật phải tạo được những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy phát triển, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Thượng tướng Vũ Hải Sản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh. |
Quan tâm mục tiêu kép, vừa phát triển vừa bảo đảm quốc phòng an ninh
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá: Dự thảo Luật thay thế Luật số 69 đã được Bộ Tài chính chuẩn bị rất công phu. Nội dung bố cục khoa học, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế; tạo môi trường pháp lý trong quản lý, đầu tư của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng, quân đội.
Dự thảo cũng kế thừa những thuận lợi cơ bản, khắc phục khó khăn sau 10 năm thực hiện Luật số 69. Ban soạn thảo cũng đã cụ thể hóa thành nhiều chủ trương quan trọng, tạo ra sự đổi mới, tiến bộ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp phát triển.
Cũng theo Thượng tướng Vũ Hải Sản, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025. Theo đó, doanh nghiệp quốc phòng đã giảm từ 104 doanh nghiệp còn 54 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trong số này có 40 doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gắn với nhiệm vụ quân sự quốc phòng.
Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc 3 lĩnh vực chính: nhóm doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị, nghiên cứu phát triển công nghiệp quốc phòng; nhóm doanh nghiệp đóng trên địa bàn chiến lược, kết hợp lao động sản xuất với bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc; nhóm doanh nghiệp kinh tế quốc phòng.
Mỗi nhóm doanh nghiệp đều có đặc thù riêng, vì vậy, Thượng tướng Vũ Hải Sản mong muốn ban soạn thảo lưu tâm các chính sách làm sao để doanh nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp quân đội có thể vừa bảo đảm quy định về quản lý sử dụng vốn tại các doanh nghiệp, phải vừa đáp ứng yêu cầu, phù hợp hoạt động thực tiễn của quân đội, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội lại vừa bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng; Ngân hàng Quân đội… đã tham gia ý kiến trực tiếp vào những nhóm chính sách chính có liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp như: chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư và doanh nghiệp; chính sách đầu tư vốn nhà nước và doanh nghiệp; chính sách về hoạt động đầu tư của bản thân doanh nghiệp; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về cơ quan của người đại diện chủ sở hữu vốn và chính sách về quản trị doanh nghiệp. |