Linh hoạt sắp xếp vị trí theo thực tế

Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 đã chỉ rõ các giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện trong việc tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực. Một trong số đó là xây dựng tổ chức bộ máy hải quan theo 3 cấp: cấp tổng cục, cấp vùng và cấp chi cục. Hiện nay, mô hình tổ chức này đang được áp dụng và bước đầu ghi nhận kết quả tích cực tại Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh. Đây là đơn vị quản lý trải dài trên 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên với khối lượng thông quan lớn nhất cả nước. Mỗi năm, trên 160 tỷ USD trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu được thông quan trên địa bàn Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý.

Theo ông Trần Đức Hùng – Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh, chia trung bình, mỗi cán bộ hải quan nơi đây phụ trách xử lý trị giá hàng hóa lên tới 1 tỷ USD hàng năm. Với khối lượng và giá trị hàng hóa thông quan lớn như vậy, việc sắp xếp, bố trí cán bộ linh hoạt là một trong những yêu cầu được đặt ra. Trong thực tế, khi khối lượng công việc ở các chi cục tăng đột biến thì cục cũng linh hoạt, điều động, biệt phái cán bộ, công chức tại các khối phòng, ban xuống để hỗ trợ các chi cục, tạo điều kiện thông quan nhanh nhất sớm nhất cho doanh nghiệp.

Ngành Hải quan luôn chú trọng công tác đào tạo và tái đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ công chức. Ảnh: Hồng Vân
Ngành Hải quan luôn chú trọng công tác đào tạo và tái đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ công chức. Ảnh: Hồng Vân

Hiệu suất cũng như hiệu quả quản lý của Hải quan Bắc Ninh đang là cơ sở tốt để ngành Hải quan nhân rộng và áp dụng, hướng tới mô hình 3 cấp đã đề ra. Không chỉ tổ chức, mô hình, các mục tiêu khác cũng đã được định hình khá rõ nét như xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Đồng thời, xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực công khai, minh bạch với chế độ đãi ngộ hợp lý đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hải quan; xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm; xây dựng hệ thống quản lý nguồn nhân lực điện tử đảm bảo yêu cầu tự động hóa tối đa các thủ tục quản lý nguồn nhân lực.

Sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Ở khía cạnh khác, để tiệm cận dần các mục tiêu đề ra, hiện nay việc đào tạo và tái đào tạo là hoạt động thường xuyên, liên tục mà ngành Hải quan triển khai. Mỗi năm, Trường Hải quan Việt Nam đã thực hiện đào tạo và tái đào tạo cho hàng nghìn lượt học viên. Năng lực, kiến thức cho cán bộ hải quan cũng vì thế mà liên tục được cập nhật. Bà Vũ Hồng Vân – Phó Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam cho biết, việc đào tạo luôn bám sát tình hình và đào tạo phải đi trước để đảm bảo đội ngũ công chức vận hành được hệ thống hải quan số, hải quan thông minh trong thời kỳ tới.

Trong quản lý, việc hoạch định rõ ràng, cụ thể, quy rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cho đến từng vị trí cán bộ, công việc được thực hiện làm căn cứ, cơ sở để sắp xếp, bố trí nhân lực trong từng bộ phận, vị trí trong ngành Hải quan đúng người, đúng việc hơn. Theo ông Vũ Hoàng Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan, căn cứ chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại, trong đó mỗi mức đánh giá, xếp loại đều có chỉ số, tiêu chí cụ thể làm căn cứ cho lãnh đạo các cấp khi giao việc cũng như đánh giá.

Rà soát tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn

Tổng cục Hải quan đã giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì rà soát tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, biên chế báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan thông minh.

Về lâu dài, Vụ Tổ chức cán bộ đang chủ trì phối hợp với các đơn vị trong ngành hoàn thiện cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan. Tiếp đến, thực hiện rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các vụ, cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan thông minh. Mặt khác, nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu; đơn vị phân loại hàng hóa, đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan.

Theo Chiến lược Phát triển hải quan đã được phê duyệt, ngành Hải quan đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số, 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng, 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin. Để hoàn thành mục tiêu đó, ngay từ lúc này, yếu tố con người và bộ máy nhân lực của ngành Hải quan phải được chú trọng và nâng cao để hướng tới hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.