Chấn chỉnh kịp thời các sai sót sau thanh tra, kiểm tra

Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra hệ thống KBNN luôn được lãnh đạo đơn vị quan tâm, chỉ đạo. Toàn hệ thống đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; thực hiện luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, luật phòng chống tham nhũng đã giúp phát hiện kịp thời những tồn tại sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phát hiện được những bất cập của cơ chế chính sách đã ban hành. Điều đó góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lãng phí, tham nhũng trong hoạt động của đơn vị sử dụng ngân sách; giúp cho lãnh đạo KBNN phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Thế Dương

Thống kê từ năm 2016 đến hết tháng 8/2022, thanh tra KBNN đã thực hiện 12.209 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, số cuộc kiểm tra là 10.671 cuộc; số cuộc thanh tra chuyên ngành 1.538 cuộc. Ban hành 277 quyết định xử phạt với số tiền phạt hơn 912,5 triệu đồng. Xử lý tài chính yêu cầu thu hồi về cho ngân sách nhà nước (NSNN) số tiền trên 67,4 tỷ đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đã giúp các đơn vị KBNN kịp thời phát hiện những sai sót và có chấn chỉnh kịp thời, giúp cho việc quản lý, điều hành NSNN ngày càng đảm bảo và hiệu quả. Đáng chú ý, công tác thanh tra chuyên ngành KBNN đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách có ý thức chấp hành nghiêm việc quản lý và sử dụng NSNN hiệu quả, tiết kiệm, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về NSNN.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Trong tiến trình trở thành Kho bạc điện tử, các giao dịch thu, chi NSNN đều được KBNN thực hiện trên môi trường mạng thì nhiều rủi ro rất dễ xảy ra. Để đảm bảo nguồn vốn ngân sách của nhà nước được quản lý an toàn, chi trả đúng đối tượng, từ cuối năm 2020, KBNN đã triển khai Tiện ích tra cứu dữ liệu dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Thông qua tiện ích này, công chức thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống được quyền tra cứu dữ liệu chương trình DVCTT nhằm phát hiện những vấn đề bất thường để cảnh báo cho lãnh đạo đơn vị có biện pháp xử lý, hoặc lên kế hoạch để kiểm tra định kỳ, đột xuất. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng đánh dấu việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của KBNN trong điều kiện hình thành Kho bạc điện tử, hướng đến Kho bạc số.

Thanh tra, kiểm tra thông qua môi trường số

Trong Quyết định số 455/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 có đưa ra yêu cầu về việc hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ của hệ thống KBNN. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định trọng tâm, trọng điểm thanh tra chuyên ngành của KBNN trên cơ sở đánh giá rủi ro và mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; tư vấn, hỗ trợ việc phát triển chức năng kiểm toán nội bộ về tài chính - ngân sách tại các bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách và các địa phương...

Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước, KBNN đã thực hiện giám sát từ xa đối với công chức KBNN trong việc chấp hành quy định về tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua DVCTT. Đồng thời, KBNN đã thực hiện kết xuất dữ liệu về sử dụng chứng thư số từ máy chủ của KBNN để giám sát từ xa về chấp hành bảo mật quản lý, sử dụng chứng thư số nhằm chấn chỉnh về lề lối làm việc và cảnh báo rủi ro có thể xảy ra tại KBNN các cấp như: Kiểm tra, rà soát làm rõ các giao dịch được ký duyệt trên máy tính người khác; kiểm tra, rà soát công tác ủy quyền; kiểm tra, rà soát các user lâu không sử dụng mà không có lý do, chưa thực hiện thu hồi hoặc tạm dừng sử dụng theo quy định dẫn đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng thư số...

Trên cơ sở kết quả giám sát, KBNN đã có công văn gửi tới tất cả các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống yêu cầu kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận xử lý hồ sơ kiểm soát chi qua DVCTT và chứng thư số để giám đốc các đơn vị KBNN chỉ đạo xác định nguyên nhân, trách nhiệm đối với công chức có liên quan, báo cáo kết quả về KBNN để xem xét, xử lý. Đây là cách làm mới trong hoạt động kiểm tra, giám sát của KBNN, là bước khởi đầu thực hiện điện tử hóa công tác kiểm tra, giám sát, hướng tới kiểm tra theo phương thức điện tử, phù hợp với lộ trình thực hiện KBNN điện tử, hướng tới Kho bạc số.

* Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính:

Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng

Đổi mới thanh tra, kiểm tra kho bạc phù hợp với tiến trình hiện đại hóa
Ông Trần Huy Trường

Công tác thanh tra, kiểm tra của hệ thống KBNN tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, các khoản chi thường xuyên liên quan đến chi lương và có tính chất lương. Do đặc thù chuyên môn, tại hệ thống KBNN còn thường xuyên duy trì công tác kiểm tra nội bộ đối với lĩnh vực kế toán thanh toán; lĩnh vực kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư đặc biệt là chi đầu tư xây dựng nội ngành; lĩnh vực quản lý và sử dụng kinh phí NSNN của KBNN (trong đó tập trung kiểm tra về công tác xây dựng, phân bổ và giao dự toán)…

Hiện nay, KBNN đang thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng NSNN trong việc chấp hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của KBNN; kiểm tra nội bộ về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng Giám đốc KBNN và thực hiện giám sát từ xa qua các hệ thống công nghệ thông tin của ngành đối với các đơn vị nội bộ.

Theo xu hướng cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra theo Chiến lược phát triển ngành Thanh tra, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính, định hướng sửa đổi của Luật Thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính đang phối hợp với KBNN xây dựng đề án sửa đổi mô hình tổ chức theo hướng nâng cao vị trí pháp lý bộ máy thanh tra KBNN, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.

Việc mở rộng, nâng cấp hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ứng dụng khai thác thông tin qua dịch vụ công trực tuyến KBNN đã giúp khai thác triệt để các dữ liệu điện tử, từng bước chuyển đổi và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin, hướng phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp (tại chỗ) sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó cần xây dựng các chương trình, công cụ giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác giám sát từ xa, ngăn ngừa, cảnh báo rủi ro, đáp ứng các định hướng hiện đại hoá công tác thanh tra, kiểm tra của toàn ngành.

* Ông Nguyễn Công Điều - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk:

Xây dựng đội ngũ công chức am hiểu công nghệ thông tin

Đổi mới thanh tra, kiểm tra kho bạc phù hợp với tiến trình hiện đại hóa
Ông Nguyễn Công Điều

Hiện nay, KBNN đang hướng tới thực hiện 3 không “không có khách hàng giao dịch, không có chứng từ giấy, không có giao dịch bằng tiền mặt”, do đó việc đổi mới mô hình hoạt động trong lĩnh vực thanh tra - kiểm tra theo hướng kiểm soát rủi ro, hướng đến các đơn vị giao dịch và sử dụng dịch vụ công của KBNN là yêu cầu cần thiết được đặt ra hiện nay.

Để thực hiện được mục tiêu này, KBNN Đắk Lắk đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức tới các ngành, các cấp, các đơn vị và cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN nắm bắt kịp thời, đầy đủ lộ trình triển khai để đảm bảo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình hiện đại hoá hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm soát nội bộ trong hệ thống KBNN.

Đồng thời, KBNN Đắk Lắk cũng xây dựng lộ trình để đào tạo đội ngũ công chức không chỉ tinh thông nghiệp vụ mà còn am hiểu sâu, vận hành có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường số hoá, đặc biệt là đội ngũ công chức làm công tác thanh tra - kiểm tra để có kỹ năng nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp cao, có bản lĩnh vững vàng, đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trước mắt, KBNN Đắk Lắk đang đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thanh tra - kiểm tra nhằm kịp thời cập nhật kiến thức, quy trình nghiệp vụ; trang bị kỹ năng khai thác các chương trình ứng dụng, cách thức tiếp cận, thu thập dữ liệu, thông tin dựa hoàn toàn vào công nghệ, thu hẹp khoảng cách không gian, thời gian giữa cơ quan, đơn vị thanh tra - kiểm tra đối với đối tượng được thanh tra - kiểm tra.