Thông tin về chính sách thuế mới

Phát biểu tại hội nghị đối thoại này, ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, hội nghị là hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện chủ trương của ngành, của cơ quan hải quan là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), tăng cường sự hiểu biết, đồng thuận giữa cơ quan hải quan với cộng đồng DN.

Công chức Tổng cục Hải quan giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại hội nghị. Ảnh Việt Dũng
Công chức Tổng cục Hải quan giải đáp vướng mắc về chính sách và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại hội nghị. Ảnh Việt Dũng

Tại hội nghị, các công chức Tổng cục Hải quan đã dành nhiều thời gian giới thiệu, hướng dẫn về một số quy định chính sách, pháp luật hải quan mới ban hành trong năm 2023 nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn quản lý.

Hội nghị đối thoại là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trao đổi, thảo luận trực tiếp cùng cơ quan hải quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan; qua đó góp phần năng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên.

Bà Lê Nguyễn Việt Hà - Trưởng Phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ, thuộc Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), đã thông tin những điểm mới của Thông tư 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, như: khắc phục những vướng mắc, bất cập trong việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; nộp bổ sung giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sau khi hàng hoá đã thông quan; nộp C/O đối với trường hợp hàng hoá thay đổi mục đích sử dụng; quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O; trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan...

Bà Lê Nguyễn Việt Hà cũng thông tin về thông tư hướng dẫn việc kiểm tra xuất xứ tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...), việc cơ quan quản lý áp dụng các phương thức quản lý mới phù hợp với xu hướng tạo thuận lợi thương mại, sử dụng chứng từ điện tử thay thế cho chứng từ giấy, bảo lãnh cho hàng hóa nợ, thay đổi hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ

Tại hội nghị, đại diện Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cũng hướng dẫn chi tiết những chính sách về thuế giá trị gia tăng liên quan đến Nghị định 44/2023/NĐ-CP; quy định mới về phân loại hàng hóa… nhằm giúp các DN thực hiện đúng các quy định về áp thuế đối với hàng hóa XNK.

Hội nghị đối thoại về chính sách thuế, thủ tục hải quan thu hút hơn 150 doanh nghiệp Nhật Bản khu vực phía Nam tham dự. Ảnh Việt Dũng
Hội nghị đối thoại về chính sách thuế, thủ tục hải quan thu hút hơn 150 doanh nghiệp Nhật Bản khu vực phía Nam tham dự. Ảnh Việt Dũng

Trong phần thảo luận trực tiếp, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan và hải quan địa phương đã giải đáp rõ và cụ thể nhiều câu hỏi của DN Nhật Bản về thủ tục XNK tại chỗ; thủ tục gia công hàng xuất khẩu; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng phi mậu dịch… Ngoài các câu hỏi phát sinh tại hội nghị, cơ quan hải quan cũng đã giải đáp 70 câu hỏi vướng mắc được DN Nhật Bản gửi trước.

Theo bà Lê Nguyễn Việt Hà, Thông tư 33/2023/TT-BTC có một số quy định mới rất quan trọng về áp dụng bảo lãnh thuế đối với các trường hợp chậm nộp C/O và xác minh xuất xứ hàng hóa. Bởi trên thực tế, các trường hợp chưa có C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì DN phải tính thuế theo mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi - MFN (đối với trường hợp áp dụng ưu đãi thuế quan) hoặc mức thuế suất phòng vệ thương mại cao nhất (đối với hàng hóa thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng) để được thông quan hàng hoá và phải khai sửa đổi, bổ sung sau khi có C/O và thực hiện các thủ tục hoàn thuế.

‘‘Điều này cũng làm chậm quay vòng vốn của doanh nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực của cả cơ quan quản lý (hải quan, thuế) và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục khai bổ sung, hoàn thuế. Do vậy, đế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ hoàn thuế, tại Điều 12 Thông tư 33 đã bổ sung hướng dẫn về việc cho phép áp dụng bảo lãnh thuế trong từng trường hợp cụ thể’’ – bà Lê Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.

Trả lời vướng mắc của DN tại khu công nghệ cao về nhập khẩu hàng là thiết bị công nghệ cao, khi thực hiện kiểm tra hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan Hải quan thì gặp khó khăn trong việc sử dụng mặt bằng để xuất trình hàng hóa kiểm tra thực tế, ông Đặng Thái Thiện - Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, do Chi cục Hải quan khu công nghệ cao chưa có bãi kiểm tra tập trung, nên nếu DN có yêu cầu kiểm tra hàng hóa tại nhà máy, chân công trình thì liên hệ cơ quan hải quan tại nơi làm thủ tục để thực hiện các bước được công nhận địa điểm kiểm tra hàng hóa.