![]() |
Nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ đồng VND. |
PV: Bà đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều thách thức?
![]() |
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Nhìn chung, trong năm 2024, Việt Nam vẫn đang đạt mức tăng trưởng tốt. Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 là 6,8%, với mức tăng trưởng quý IV/2024 là 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng này được củng cố bởi xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng năm 2024, trong khi nhập khẩu tăng 16,8%; với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi. Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm đến nay.
Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, được minh chứng bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ. FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi FDI cam kết tăng 1,9% trong cùng kỳ. Ngành sản xuất chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết trong giai đoạn đó, trong khi ngành bất động sản chiếm 19%, gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Fed cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đồng Việt NamViệc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm đồng Việt Nam. Standard Chartered dự báo việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới, dẫn đến tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 vào cuối năm 2024 và 25.450 vào quý II/2025. |
Lạm phát đã chậm lại trong thời gian gần đây, nhưng chúng tôi dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Chỉ số CPI hàng tháng có thể bắt đầu tăng trở lại vào giữa năm 2025; cho đến gần đây chỉ số này vẫn ở mức trên 4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát đảo chiều có thể làm phức tạp quá trình phục hồi trong nước và tạo ra thách thức cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,7% cho năm 2024 và 3,8% cho năm 2025. Lạm phát quý IV/2024 có thể ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2023 là 3,5%).
Dù vậy, chúng tôi nhận định kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn cần thận trọng do số liệu kinh tế vĩ mô gần đây có sự điều chỉnh nhẹ, do đà tăng trưởng quý IV/2024 có sự chậm lại so với quý III.
PV: Với những diễn biến của kinh tế Việt Nam năm 2024, bà dự đoán thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2025? Động lực tăng trưởng cho năm 2025 là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Có thể thấy, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa. Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để nắm giữ thị phần đang ngày càng tăng trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, nhờ hội nhập tốt với thương mại quốc tế sau khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại hàng hóa và FDI; hiệu suất của khu vực kinh tế đối ngoại vẫn tương đối vững chắc.
Chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh khoảng 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm.
Đồng USD dự kiến sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump (Trump 2.0) được làm rõ và triển khai. Vấn đề về lạm phát cùng các vấn đề nội tại như năng suất lao động còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, trong đó tác động chính đến từ chênh lệch lãi suất. Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.
Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025. Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại. Lạm phát có thể tăng trở lại bắt đầu từ quý II/2025, do đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ trở lại bình thường trong quý II này. Các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, tỷ giá đồng USD thấp có thể hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài, đồng thời việc duy trì thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ đồng VND. Tuy nhiên, dự trữ nhập khẩu thấp vẫn là một thách thức.
PV: Theo bà, Việt Nam cần làm gì để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2025?
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Tôi cho rằng, sự rõ ràng trong triển vọng chính sách sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, Việt Nam sẽ cần tăng cường các phương án ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài châu Á.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và đẩy nhanh phát triển kinh tế vào năm 2025.
PV: Xin cảm ơn bà!