Dữ liệu số đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực tài chính
Các đại biểu tại Hội thảo - Triển lãm VDF-2023. Ảnh: Minh Đức

PV: Vai trò của dữ liệu số trong công tác huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho phát triển bền vững hiện nay như thế nào, thưa bà?

Dữ liệu số đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực tài chính
TS. Nguyễn Thanh Nga

TS. Nguyễn Thanh Nga: Trong xu thế phát triển nhanh của chuyển đổi số hiện nay, dữ liệu lớn đang trở thành nguồn lực thông tin quan trọng của đất nước, hay dữ liệu chính là nguồn tài nguyên mới. Cùng với kết nối, việc khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Việc ưu tiên tập trung phát triển và phân tích dữ liệu tạo ra cơ hội mới để định hình lại lợi thế cạnh tranh của quốc gia.

Với khối lượng dữ liệu ngày càng lớn, đa dạng và phức tạp, không thể dễ dàng quản lý bằng các phương pháp quản lý dữ liệu truyền thống thì việc sử dụng hệ thống nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) trong lưu trữ, phân tích, xử lý số liệu là động lực chính cho tiến trình chuyển đổi số.

Việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hiện đại cho phép tăng tính chính xác trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính mà tiêu biểu là lĩnh vực quản lý thuế và hải quan.

Trong lĩnh vực quản lý thuế, hệ thống dữ liệu được số hóa cho phép các cơ quan nhà nước có khả năng quản lý số lượng lớn hơn các thủ tục hành chính. Việc số hóa cho phép quá trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế được diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, thay vì phải đến trụ sở các cơ quan thuế.

Trong lĩnh vực hải quan, việc sử dụng các hệ thống hải quan tự động tạo thuận lợi cho thương mại thông qua việc chuẩn hóa các biểu mẫu và chứng từ, chuẩn hóa dữ liệu, đơn giản hóa và tin học hóa các thủ tục thông quan để đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa.

Ở Việt Nam, dữ liệu số đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành Tài chính nói chung và công tác huy động nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững nói riêng. Đảm bảo chất lượng dữ liệu và tăng cường quản lý dữ liệu là một nền tảng quan trọng trong quá trình đổi mới quản lý thu ngân sách nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách huy động, phát triển nguồn lực và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững.

PV: Bà đánh giá như thế nào về hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính nói riêng và ngành Tài chính nói chung?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Trong thời gian qua, công tác cải cách hiện đại hóa các quy trình, nghiệp vụ của Bộ Tài chính đã ngày càng thực chất hơn, hướng tới hiện đại, bao quát đầy đủ các lĩnh vực. Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành ngày càng đầy đủ, hiện đại, tạo thuận lợi cho công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.

Việc triển khai hạ tầng số, đặc biệt là hệ thống dữ liệu số ngành Tài chính đã góp phần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, đặc biệt là các quy trình, nghiệp vụ về huy động nguồn lực tài chính công.

Đối với lĩnh vực thuế, hệ thống dữ liệu số của ngành đã ngày càng được hoàn thiện từ các quy trình liên quan như khai thuế, đăng ký thuế, nộp thuế, kế toán thuế, quản lý nợ thuế…

Trong lĩnh vực Hải quan, ứng dụng CNTT đã có bước tiến quan trọng. Ngành Hải quan đã xây dựng được hệ thống CNTT hiện đại. Hệ thống CNTT hải quan những năm vừa qua đã đóng góp to lớn cho việc triển khai thành công thủ tục hải quan điện tử, đóng vai trò cốt lõi của hệ thống thông tin thuộc cơ chế một cửa quốc gia.

PV: Theo bà, ngành Tài chính phải làm gì để đảm bảo nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong công tác huy động nguồn lực thời gian tới?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Giải pháp về dữ liệu số tiếp tục nắm vai trò trọng tâm trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý ngành Tài chính, đặc biệt là công tác quản lý thu ngân sách nhà nước. Trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã nêu rõ các giải pháp về dữ liệu số ngành Tài chính. Tại Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính. Kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.

Do vậy, để đảm bảo nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong công tác huy động nguồn lực, chúng ta cần thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu ngân sách nhà nước; xây dựng và triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, hải quan; đánh giá, tổng hợp, xây dựng tổng kho dữ liệu của cơ quan thuế, hải quan; rà soát, đánh giá hiện trạng các chứng từ, văn bản cần số hóa. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để thực hiện số hóa kết nối, thu thập, xử lý dữ liệu, trong đó tập trung số hóa các chứng từ, văn bản quản lý nhà nước về thuế, hải quan (bao gồm cả dữ liệu quá khứ). Tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ thuế, hải quan từ Hệ thống một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, rà soát danh mục chứng từ, văn bản thuộc thủ tục hành chính chuyên ngành cần thống nhất trên cơ sở một cửa quốc gia, đảm bảo thống nhất dữ liệu số hóa ngành Tài chính…

PV: Xin cảm ơn bà!