Đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm cà phê thế giới
Toàn cảnh hội thảo xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ảnh: Gia Cư

Hương sắc cà phê nâng tầm giá trị Việt

Sau 4 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, qua 7 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8/2023 diễn ra từ ngày 10-14/3/2023 đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn du khách trong và ngoài nước về một vùng đất đang khát vọng vươn lên thành thủ phủ cà phê toàn cầu. Người dân và du khách có dịp được hòa mình vào không khí lễ hội đặc trưng của Tây Nguyên hùng vĩ với chuỗi hoạt động của 19 sự kiện độc đáo, hấp dẫn xoay quanh chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.

Đắm mình trong lễ hội đường phố, chị Lê Thanh Vân, du khách cùng gia đình đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Gia đình tôi đã sắp xếp và đặt lịch đến với lễ hội lần này khá sớm và rất vui được tham dự, thưởng thức hương vị cà phê với những món ăn tinh thần đa dạng, phong phú và mang nhiều ý nghĩa. Tôi sẽ cùng gia đình khám phá hết các điểm sự kiện để con cháu hiểu hơn về giá trị văn hóa Tây Nguyên cũng như hương vị đậm đà của cà phê Đắk Lắk”.

Đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm cà phê thế giới
Biểu diễn nghệ thuật đường phố tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Ảnh: Gia Cư
Với nhiều du khách là doanh nhân, doanh nghiệp, đây còn là dịp, là cơ hội tốt cho họ để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư, liên doanh, liên kết các hoạt động chế biến, xuất khẩu cà phê cũng như khai thác tiềm năng rất lớn của vùng đất này.

Một trong chuỗi các sự kiện được các doanh nhân, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nhất là hội thảo với chủ đề “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chủ trì tổ chức ngày 12/3.

Cùng với các đoàn khách trong cả nước đến tham gia lễ hội, thì những đoàn khách quốc tế đã đến và mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác mới với đơn vị chủ nhà. Đại diện Văn phòng tỉnh Champasak (Lào), KhamHoung Keosounthone phấn khởi nói: Chúng tôi nhận được sự đón tiếp rất chu đáo, không khí lễ hội sôi động và mong rằng dịp này sẽ có nhiều cơ hội để đoàn tìm hiểu, hợp tác.

Không chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn thuần như quảng bá, giới thiệu cà phê Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế, cuộc hội thảo tập trung vào việc canh tác, chế biến và xuất khẩu cà phê để nâng tầm giá trị cho cà phê Việt.

Tập trung chế biến sâu

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam với diện tích cả nước hơn 710 ngàn ha, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Cây cà phê được trồng tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, chiếm 91% về diện tích và 93% sản lượng cà phê của cả nước.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 sau Braxin và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới. Trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2022 xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp hiệp hội đều cho rằng, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Việc sản xuất tập trung vào khai thác tối đa tiềm năng năng suất của cây cà phê mà chưa chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững.

Ông Bạch Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, bên cạnh những cơ hội đã thấy, ngành cà phê cũng đặt ra nhiều thách thức khi cán cân cung cầu cà phê ngày càng thay đổi, sự thịnh vượng của người trồng cà phê bị giảm sút. Cùng với đó là biến đổi khí hậu cũng như các quy định khắt khe của các nước nhập khẩu.

“Đây rõ ràng là thách thức lớn nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận như là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê thay đổi cách nhìn về một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững” - ông Tuấn thông tin.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trong sản xuất cà phê chất lượng cao. Cụ thể, về sản xuất, chế biến, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả như đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Đặc biệt, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê.

Bên cạnh tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, các nước ASEAN...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành cà phê Việt Nam đang trên đà phát triển, việc tăng giá trị chất lượng cà phê, không chỉ ở chế biến tinh mà còn là ở giá trị văn hóa tiêu dùng để đi vào đúng cảm xúc. Ông Hoan cũng cho biết, sau hội thảo này, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc chính thức với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xây dựng câu chuyện về văn hóa cà phê Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

“Hướng tới một viễn cảnh trong 5-10 năm nữa sẽ chuyển hóa tạo ra dòng cảm xúc, nét văn hóa cho cà phê Việt Nam. Để từ đó, chúng ta đưa được sản phẩm cà phê đi khắp thế giới với giá trị tối ưu nhất” - ông Hoan cho biết.

"Tại sao thương hiệu Starbucks đã biến ly cà phê giá chỉ có 2,3 xu thành sản phẩm cà phê 5 - 10 USD? Trong những thành công của thương hiệu Starbucks thì việc ứng dụng công nghệ cũng chỉ là 1 yếu tố trong việc tạo ra giá trị cho cà phê. Ngoài ra, còn các yếu tố khác về văn hóa, xã hội, trải nghiệm, cảm xúc… cũng mang lại nhiều thú vị cho cà phê" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói.