Hỗ trợ kinh phí chống dịch cho địa phương gặp khó thực hiện ra sao?
Ngân sách trung ương chi bổ sung và hỗ trợ gần 33 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch
Kho bạc Nhà nước đảm bảo kịp thời các khoản chi, nhất là chi phòng, chống dịch

Cử tri tỉnh Quảng Bình đã có văn bản hỏi về vấn đề này. Theo cử tri tỉnh Quảng Bình, hiện nay ngoài mức hỗ trợ 50% từ ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương phòng, chống dịch Covid-19 theo cơ chế quy định tại Quyết định 482/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh đã sử dụng hết 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương, 70% quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh và nguồn cắt giảm chi thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để tập trung nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi rà soát lại dự toán ngân sách thì thấy một số nội dung chi trước mắt chưa thực sự cần thiết có thể cắt giảm để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trung ương chưa có cơ chế để địa phương chủ động được sử dụng tất cả các nguồn nhàn rỗi, bao gồm nguồn vốn đầu tư phát triển để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Từ yêu cầu thực tiễn, cử tri tỉnh Quảng Bình đề nghị xem xét có cơ chế cho địa phương sử dụng tất cả các nguồn nhàn rỗi, kể cả chi đầu tư để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tạo không gian tài khóa, thúc đẩy tăng trưởng
Địa phương khó khăn được trung ương hỗ trợ 50% kinh phí chống dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Trả lời vấn đề này Bộ Tài chính cho biết, Quyết định số 482/QĐ-TTg về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19 đã quy định rõ tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách (tỉnh Quảng Bình được ngân sách trung ương hỗ trợ 50% kinh phí).

Đồng thời, Quyết định số 482/QĐ-TTg cũng đã quy định: Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ nguồn 50% dự toán dự phòng của ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương giúp các tỉnh, thành phố có đủ nguồn thực hiện.

Để các địa phương có thêm nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ đã có Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã có văn bản thông báo số cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên cho địa phương để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Quảng Bình là hơn 30 tỷ đồng.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 quy định: Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022./.