Giá cà phê giảm tại thị trường trong nước và quốc tế
Người dân thu hái, sơ chế cà phê đúng cách. Ảnh: TL

Lo ngại tiêu thụ sụt giảm... tác động giá cà phê

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 25 USD/tấn ở mức 2.376 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 15 USD/tấn ở mức 2.291 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 7,6 cent/lb, ở mức 232,6 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 7,3 cent/lb, ở mức 232,35 cent/lb.

Theo các chuyên gia, đầu cơ trên cả hai sàn kỳ hạn mạnh tay thanh lý khi biến thể Omicron đã thúc đẩy nhiều quốc gia tái lập các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, các nước đồng loạt hạn chế nhập cảnh từ 8 nước ở khu vực Nam Phi, khiến thị trường dấy lên mối lo tiêu thụ cà phê sụt giảm trở lại.

Trong khi lạm phát vượt mức tiếp tục tăng cao sẽ dẫn tới khả năng các ngân hàng trung ương sẽ thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao lãi suất cơ bản các loại tiền tệ là điều cần chú ý trong tuần tới.

Nông dân cà phê ở Brazil đã bán hơn 80% sản lượng Conilon Robusta của vụ mùa năm 2021 theo hợp đồng giao sau với mức giá cao hiện hành. Điều này đặt ra cho nông dân và thương nhân nội địa Việt Nam về việc lựa chọn phương thức bán phù hợp, hạn chế phương thức “gửi kho” bị cho là tự đưa mình vào thế bất lợi như các năm trước.

Các nhà phân tích cho biết, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến giá cà phê là hạn chế vận chuyển và thiếu container. Việc không thể biết chắc chắn khi nào cà phê sẽ được vận chuyển khiến người mua giao dịch bất ổn.

Thu hái, sơ chế cà phê đúng cách sẽ giảm được tác động của thị trường về giá

Đối với thị trường trong nước 13/12 cho thấy, giá cà phê giảm nhẹ 100 đồng/kg tại các tỉnh, thành. Giá cà phê thấp nhất ở Lâm Đồng hiện được dao dịch ở mức 40.800 đồng/kg, cao nhất ở Đắk Lắk 41.600 đồng/kg...

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường Việt Nam đang vào cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên cà phê vụ mới được đưa ra thị trường với khối lượng nhỏ giọt, và sẽ tăng lên đáng kể khi vào đầu năm mới 2022.

Vào những ngày cuối năm 2021 và trước Tết Nguyên đán, áp lực bán mạnh từ Việt Nam sẽ gây áp lực lên giá trong nước chứ không nhất thiết từ giá các sàn phái sinh. Do vậy, dù giá cà phê nội địa hiện thời quanh mức cao nhất tính từ 4 năm nay, thì giá cà phê trong nước ở phía trước vẫn là một rủi ro rất lớn đối với nông dân trồng cà phê. Như thế, cách mua bán của nhà vườn cần ''theo thời" và nên theo phương châm “tự cứu mình trước khi trời cứu”, tức bán theo từng đợt theo sóng giá nội địa tăng, chứ không nên ghìm hàng lâu.

Ngoài ra, vụ thu hoạch mới cà phê Tây Nguyên vẫn đang diễn ra với nhiều mối lo, trong đó có việc nhân lực thiếu trầm trọng. Khó tìm nhân công, giá thuê công cũng cao, nên từ đầu vụ nhiều hộ gia đình đã xác định tự thu hoạch cà phê. Tuy nhiên, do cà phê chín không đều, việc thu hái theo quy trình kỹ thuật sẽ tốn rất nhiều công nên nhiều hộ buộc phải hái xô cả xanh lẫn chín để tiết kiệm công và thời gian.

Thu hái cà phê đúng cách, tỷ lệ quả chín cao là điều đã được ngành nông nghiệp lưu ý từ lâu. Mỗi khi đến vụ thu hoạch cà phê, ngành nông nghiệp đều có văn bản khuyến cáo, hướng dẫn người dân quy trình hái, bảo quản sản phẩm song mức độ chuyển biến của bà con nông dân hầu như không đáng kể...

Theo một số doanh nghiệp, ngoài việc tuyên truyền, vận động, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu cơ chế để khuyến khích, bắt buộc người dân thu hái, sơ chế cà phê đúng cách... Nếu làm được điều này, người trồng cà phê sẽ giảm thiểu được những tác động của thị trường, chủ động được giá cả, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.