nha o xa hoi

Gói 30 nghìn tỷ đồng đã góp phần tạo cơ hội an cư cho nhiều gia đình có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp cần một chính sách tổng thể, dài hạn chứ không chỉ dựa vào những gói hỗ trợ giới hạn về thời gian như gói 30.000 tỷ. Đây là chia sẻ của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu với phóng viên TBTCVN.

* PV: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành công văn cho phép gia hạn giải ngân đến 31/12/2016 cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/3/2016. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Ông Nguyễn Trí Hiếu: Việc tin vui đối với những người thuộc đối tượng được nhận bàn giao nhà trước ngày 31/12/2016.

Tuy nhiên, đối với những khách hàng mua nhà mà thời hạn bàn giao nhà sau thời điểm đó thì sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay rẻ tương tự để thay thế. Nếu chuyển sang vay theo hình thức thương mại thì lãi suất vay có thể tăng lên gấp đôi; nếu vay ngoài xã hội thì lãi suất còn cao gấp nhiều lần.

Bởi vậy, có thể ví von, việc gia hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi là một niềm vui nhưng là niềm vui chưa trọn vẹn đối với người nghèo, người thu nhập thấp đang vay tiền từ gói hỗ trợ này. Vì lẽ đó theo tôi, các chính sách hỗ trợ khi đưa ra cần tính toán kỹ lưỡng, nhất quán ngay từ đầu, để tránh tình trạng người dân “mừng ít, lo nhiều” mỗi lần chính sách có sự thay đổi.

* PV: Theo ông, có nên cho giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến hết theo điều kiện và tiến độ giải ngân của hợp đồng tín dụng mà không nên giới hạn thời gian?

- Ông Nguyễn Trí Hiếu: Theo thông báo của NHNN, tính đến hết ngày 10/5/2016, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng; tính đến ngày 20/5/2016, tổng số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng. Như vậy, gói 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được gần 90%. Với tiến độ giải ngân như mấy tháng gần đây, nhiều khả năng gói hỗ trợ này có thể giải ngân hết 100% trước 31/12/2016.

ong hieu

Ông Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp gói hỗ trợ này không được giải ngân trọn vẹn trước ngày 31/12/2016, mà vẫn tiếp tục kéo dài cho giải ngân hết cũng không ổn. Bởi, NHNN khi tái cấp vốn cho các NHTM với lãi suất tái cấp vốn 3,5% cũng phải cân đối nguồn vốn của họ, nên nếu cứ để cho các NHTM giải ngân đến hết theo điều kiện và tiến độ giải ngân của hợp đồng tín dụng của người mua nhà (có thể kéo dài đến 2017, 2018) mà nguồn vốn của NHNN để sử dụng cho việc tái cấp vốn có hạn, thì chính NHNN có thể rơi vào tình trạng rủi ro kỳ hạn và rủi ro lãi suất.

Bởi vậy, quan điểm của tôi đồng ý với quy định mới của NHNN là cho phép gia hạn giải ngân cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay trước ngày 31/3/2016 đến 31/12/2016 thôi.

* PV: Nhiều ý kiến cũng cho rằng, kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, Chính phủ, các cơ quan chức năng nên tiếp tục đưa ra những gói vay ưu đãi tương tự để người dân được tiếp cận nguồn vốn rẻ để vay mua nhà. Nhìn từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông có đồng ý với quan điểm trên?

- Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đặt cương vị là một người mua nhà thì tôi cũng mong muốn có nhiều những gói hỗ trợ ưu đãi.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ kinh tế, tài chính cần phải hiểu ngân sách nhà nước không phải là vô tận, nguồn tái cấp vốn của NHNN cũng không phải vô tận, thành ra không thể cứ sinh ra hết gói hỗ trợ này đến gói hỗ trợ khác như gói 30.000 tỷ đồng được.

Gói 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Chính phủ chỉ đạo NHNN thông qua gói hỗ trợ kích cầu để kích vào thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, để khơi thông “cục máu đông nợ xấu”. Nhưng đến nay, “cục máu đông” kia đã phần nào được giải tỏa, nhờ đóng góp đáng kể của gói 30.000 tỷ đồng.

Gói vay ưu đãi nào cũng phải đặt trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô chứ không thể vì một nhóm lợi ích trong thị trường bất động sản để Nhà nước phải liên tục tung ra những gói hỗ trợ, gây ra bất ổn về vĩ mô và bất bình đẳng đối với doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác.

Các gói hỗ trợ chỉ mang tính chất đoản kỳ, người dân có thu nhập thấp cần một chính sách hỗ trợ dài hạn thông qua các định chế tài chính như Ngân hàng Chính sách xã hội với các điều kiện vay thông thoáng, lãi suất thấp, thời hạn vay dài, thậm chí lên đến 20 năm, 30 năm. Ngân hàng Chính sách xã hội phải đi tìm những nguồn vốn lớn trong và ngoài nước với lãi suất thấp. Ngoài ra, đối với những người lao động nghèo không có khả năng mua nhà có thể chọn giải pháp thuê nhà ở xã hội, chứ không thể cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước như thời bao cấp được.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần (thực hiện)