Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024 Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ nền kinh tế Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính Chuẩn bị trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024
Gia hạn, giảm thuế hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh
Giảm thuế VAT 2% sẽ kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL

PV: Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp tục chủ động đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bà nhìn nhận thế nào về những chính sách này?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Có thể thấy, chưa bao giờ các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân lại được ban hành nhiều và kịp thời như thời gian vừa qua.

Song song với các hình thức hỗ trợ khác từ Chính phủ thì việc ưu đãi, miễn giảm thuế được xem là biện pháp hỗ trợ trực tiếp hiệu quả nhất từ Chính phủ, xuất phát từ các lý do sau: Biện pháp miễn giảm thuế giúp DN giảm bớt được số tiền phải nộp ngân sách, từ đó bổ sung vào nguồn vốn cho doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất kinh doanh, giảm bớt gánh nặng về vốn của DN.

Gia hạn, giảm thuế hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh
PGS.TS Lý Phương Duyên

Còn việc gia hạn tiền thuế phải nộp được coi là một trong các biện pháp hỗ trợ kịp thời nhất cho DN, hơn các biện pháp hỗ trợ thông qua lãi suất hay các hình thức hỗ trợ tiền trực tiếp.

Nếu như các biện pháp như lãi suất ưu đãi, chi ngân sách sẽ phát sinh thời gian xác minh đối tượng, lựa chọn đối tượng, các thủ tục hành chính để giải ngân… nên thường có độ trễ nhất định, thì việc gia hạn tiền thuế, các DN được giữ lại và sử dụng tiền thuế được gia hạn ngay tức thì, tạo ngay nguồn vốn cho DN.

Đồng thời, biện pháp này cũng hạn chế tối đa việc phát sinh thêm chi phí của Nhà nước và đảm bảo đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng cuối năm 2023 được đánh giá tác động mạnh tới tổng cầu và hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế những tháng gần đây, bà đánh giá thế nào về ý kiến trên?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Thuế GTGT với tính chất là một hình thức thuế gián thu - thu trực tiếp vào giá cả hàng hóa dịch vụ và cơ bản là do người tiêu dùng cuối cùng chịu. Vì vậy, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống mức 8% rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng.

Vẫn cần có các biện pháp hỗ trợ trực tiếp khác

PGS.TS Lý Phương Duyên cho rằng, việc gia hạn, miễn, giảm thuế và phí cho DN chỉ có giá trị trong trường hợp DN phát sinh thuế phải nộp (đặc biệt đối với các khoản thuế thu nhập), đối với những DN đang bị lỗ hoặc không phát sinh thu nhập tính thuế do còn đang chịu gánh nặng lỗ từ các năm trước thì vẫn rất cần có các biện pháp hỗ trợ trực tiếp khác.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khi thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về góc độ DN và người dân thì lợi ích khá lớn: Về phía DN, việc giảm giá bán sản phẩm do giảm thuế sẽ tăng khả năng tiêu thụ hàng hoá dịch vụ của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cho việc quay vòng vốn được nhanh hơn.

Đối với người dân, việc áp dụng mức thuế suất 8% với đa số các hàng hóa dịch vụ thiết yếu không chỉ giúp người dân tiết kiệm được chi phí chi tiêu mà còn giúp người dân tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ hơn, cho thấy Chính phủ luôn đồng hành cùng người dân.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 10 diễn ra khá sôi động. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,6%... Đây là những tín hiệu đáng mừng để góp phần hỗ trợ vào tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

PV: Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024. Các chính sách này sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ra sao, thưa bà?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Như đã phân tích ở trên, việc tiếp tục giảm thuế GTGT là các biện pháp hướng vào người tiêu dùng, hướng vào việc thúc đẩy tổng cầu của toàn xã hội, chính sách này được đánh giá rất cao trong hỗ trợ người dân, DN và cả nền kinh tế.

Việc áp dụng giảm 50% thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu cần xem xét kỹ hơn một chút.Vì thuế BVMT là thuế đánh theo đơn vị hàng hóa, không phải thuế đánh theo giá trị như thuế GTGT. Theo quy định hiện nay, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu thu 4.000 đồng/1 lít.

Như vậy, khi giảm 50% thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu thì mỗi lít xăng, người tiêu dùng sẽ chịu mức thuế là 2.000 đồng/lít. Việc giảm thuế có ý nghĩa rất lớn không chỉ cho người tiêu dùng mà còn có tác động đến giá cả hàng hóa dịch vụ do chi phí xăng dầu cấu thành, trong đó chi phí vận chuyển có ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa dịch vụ.

Tuy nhiên, các biện pháp miễn, giảm, gia hạn nêu trên sẽ làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Theo dự kiến của Bộ Tài chính, việc giảm thuế GTGT có thể làm giảm thu NSNN khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, vẫn cần các đánh giá sau mỗi đợt thực hiện để có điều chỉnh tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

PV: Xin cảm ơn bà!

Bộ Tài chính chủ động đề xuất các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí

Theo PGS.TS Lý Phương Duyên, bước sang năm 2023, nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi, nhưng trước tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của nền kinh thế giới, cho nên Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đề xuất và đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Cụ thể, cuối năm 2022, ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023; Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; Nghị quyết số 101/2023/QH15, giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023; Quyết định 25/2023/QĐ-TTg ngày 3/10/2023 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.

Có thể nói, những chính sách gia hạn, giảm thuế đã tác động hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế năm 2024, đồng thời giảm áp lực lạm phát.