Ngày 21/7/2022, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) tổ chức hội thảo, với chủ đề: “Giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư bằng phương thức trọng tài" tại TP. Hồ Chí Minh.

Giá trị và số lượng thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp liên tục tăng trưởng
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: CTV

Hội thảo diễn ra với sự quan tâm tham dự của 170 đại biểu là các doanh nghiệp, luật sự, cơ quan ban ngành, các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC, nhận định M&A đã trở thành hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Bất chấp sự khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19, giá trị và số lượng thương vụ M&A liên tục tăng trưởng. Điều này đã minh chứng rằng, Việt Nam vẫn là một điểm thị trường hấp dẫn cho cá nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng của năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Mặc dù có phần chậm lại vào đầu năm 2022, nhưng nhiều thương vụ với giá trị lớn đã được triển khai nâng tổng giá trị các giao dịch M&A quý I/2022 cao hơn cả tổng giá trị từ năm 2019 – 2021.

Giá trị và số lượng thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp liên tục tăng trưởng
Ông Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký VIAC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CTV

Các đại biểu đánh giá, về phương diện pháp luật, những năm qua, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, việc hoàn thiện khung pháp lý luôn được ưu tiên, hàng loạt các dự luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được sửa đổi, có hiệu lực đã tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy sự tăng trưởng của thi trường M&A.

Với nhiều tác động tích cực từ môi trường, chính sách, có thể nói, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện và nhiều lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ đầu từ kinh doanh, tuy nhiên, song hành cùng với đó, doanh nghiệp cũng sẽ đối diện nhiều hơn với các thách thức, rủi ro về một đối tác, quản trị hợp đồng, quản trị tranh chấp./.

Các đại biểu, diễn giả cũng cho rằng, các tranh chấp liên quan đến hoạt động M&A có dấu hiệu tăng, có sự tham gia đa dạng hơn của các chủ thể và diễn biến vụ việc cũng này sinh nhiều tình huống hơn. Điều này vô hình trung đặt ra cho các doanh nghiệp định, đang hoặc sẽ tiến hành các thương vụ M&A bài toán về việc làm sao để quản trị rủi ro, thiết lập một tiến trình giao dịch an toàn và phòng ngừa được các tranh chấp phát sinh cần giải quyết.