Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá vàng JSC tăng ngay 110 ngàn đồng/lượng so với giá cuối ngày hôm qua, niêm yết ở mức 35,46 – 35,52 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng niêm yết trên hệ thống bảng giá trực tuyến của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn giảm khá mạnh mức mua vào và chỉ giảm nhẹ mức giá bán ra và đứng ở mức 35,38 – 35,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) lúc 11h18 phút trưa nay. Khoảng cách giữa mua vào – bán ra hiện dãn rộng lên 100 ngàn đồng/lượng. Cùng thời điểm cuối buổi sáng nay, giá vàng JSC niêm yết ở Bảo Tín Minh Châu là 35,37 – 35,40 triệu đồng/lượng; ở Công ty Vàng bạc Đá quý Phúc Nhuận là 35,43 – 35,48 triệu đồng/lượng; giá giao dịch buôn ở hệ thống DOJI là 35,44 – 35,47 triệu đồng/lượng, giá giao dịch lẻ là 35,43 – 35,47 triệu đồng/lượng. Trong lúc đó, giá vàng giao dịch sáng nay trên thị trường châu Á lại có biến động giảm nhẹ và xoay quanh mức giá thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Cụ thể, Trên Sàn Giao dịch điện tử Singapore sáng 25/4 giá vàng giao ngay giảm 0,06% xuống 1.292,50 USD/ounce. Giá vàng đã "rớt" xuống gần mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi qua là 1.268,24 USD/ounce trong ngày 24/4 do thị trường chứng khoán lên điểm.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lượng vàng nắm giữ bớt 14,3 tấn xuống còn 483 tấn trong tháng 3/2014, trong khi Nga cũng hạ thấp lượng vàng dự trữ. Trong khi đó, Công ty khai khoáng Newmont Mining Corp thông báo lợi nhuận quý I/2014 sụt mạnh do giá vàng và đồng trên thế giới giảm mạnh. Có tin Newmont Mining Corp đang đàm phán với Barrick Gold Corp về một thương vụ sáp nhập nhằm củng cố hoạt động.

Trong lúc thị trường vàng loay hoay ở mức thấp và trong chiều hướng đi xuống, thị trường dầu và chứng khoán lại cùng “nắm tay nhau” lên giá, mặc dù những lo ngại về căng thẳng leo thang tại Ukraine đang thu hút sự quan tâm của thế giới và giới đầu tư.

Đóng cửa phiên 24/4, hai trong ba chỉ số chính của Mỹ tăng điểm, trong đó S&P 500 tăng 0,17% (3,22 điểm) lên 1.878,61 điểm; Nasdaq tăng mạnh 21,37 điểm (0,52%) lên 4.148,34 điểm, nhờ cổ phiếu của Apple tăng vọt (trên 8%) sau báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng của hãng này. Riêng Dow Jones Industrial Average không thay đổi và chốt phiên vẫn đứng ở mức 16.501,65 điểm giống như phiên trước.

Cùng ngày tại châu Âu, các thị trường cổ phiếu cũng đồng loạt đi lên sau những số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Khu vực Eurozone ngày càng khởi sắc.

Tại Anh, khảo sát mới nhất của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) đối với 131 nhà bán lẻ cho thấy 42% cho biết doanh thu trong tháng Tư đã tăng so với một năm trước, trong khi chỉ có 12% công bố bị giảm. CBI cho biết tỷ lệ chênh lệch tới 30% này là một cải thiện lớn so với tỷ lệ 13% của tháng Ba. Các doanh nghiệp được CBI khảo sát cũng bày tỏ tin tưởng doanh số sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới, với mức tăng trưởng có thể lên cao nhất kể từ tháng 12/2010.

Tại Đức, niềm tin kinh doanh cũng đã tăng mạnh trong tháng Tư, đánh bật mọi dự đoán suy giảm của các nhà kinh tế về nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Đóng cửa phiên 24/4, cả ba chỉ số chủ chốt của khu vực đều tăng điểm, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 0,42% lên 6.703 điểm; DAX 30 của Đức nhích nhẹ 0,05% lên 9.548,68 điểm và CAC-40 của Pháp tăng 0,64% lên 4.479,54 điểm.

Bước sang phiên cuối tuần ngày 25/4, các thị trường châu Á đang biến động trái chiều trong bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và khu vực châu Âu, khởi sắc, trong khi tình hình tại Ukraine lại căng thẳng trở lại.

Tại thời điểm hiện tại, chứng khoán Tokyo đang tạm tăng 0,77%; Sydney tăng 0,58% và Seoul tăng 0,30%. Tuy nhiên, chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc lại đang giảm nhẹ, với Hang Seng của Hong Kong trượt 0,55% và Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,10%.

Đỗ Minh (t/h)