Nhiều tín hiệu tích cực Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2015, cả nước có 28.235 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 162.500 tỷ đồng, tăng 9,7% về số DN và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm 2015, có 6.834 lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 222.963 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2015 là 385.463 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 4 tháng đầu năm 2015 đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các DN thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2015 là 427.889 lao động, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình DN đăng ký thành lập mới theo lĩnh vực hoạt động Cùng với đó, trong 4 tháng đầu năm 2015, cả nước có 6.316 DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn. Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tình hình DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2015 cũng có tín hiệu tích cực hơn. Cụ thể, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2015 của cả nước là 3.249 DN, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số DN giải thể, có 1.162 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm khoảng 35,8%), 885 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm khoảng 27,2%), 708 DN tư nhân (giảm 21,8%) và 494 công ty cổ phần (chiếm khoảng 15,2%). Đồng thời, số lượng DN giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (3.023 DN). Khó khăn vẫn chưa qua Mặc dù con số DN đăng ký thành lập mới có tăng trưởng; tuy nhiên, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 19.035 DN, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 6.726 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 12.309 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. “Điều này cho thấy rằng, cộng đồng DN vẫn còn trong giai đoạn khó khăn. Để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng DN trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành”, Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá. Báo cáo cho biết chi tiết hơn, trong số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, có 6.569 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm khoảng 34,5%), 6.339 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm khoảng 33,3%), 2.915 DN tư nhân (chiếm khoảng 15,3%) và 3.212 công ty cổ phần (chiếm khoảng 16,9%). Cùng với đó, số lượng DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (17.886 DN)./.
D.T