Bảo trì hiệu quả cả 5 lĩnh vực

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ đầu năm đến nay, lĩnh vực đường bộ đã triển khai 760 công trình sửa chữa định kỳ, chuẩn bị triển khai 76 công trình trong tháng 12/2022 (chưa kể các công trình sửa chữa đột xuất, khắc phục bão lũ bước 1…), xử lý 46 điểm đen và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Lĩnh vực đường sắt triển khai 24 công trình; lĩnh vực hàng hải 18 công trình; lĩnh vực đường thủy nội địa 102 công trình và lĩnh vực hàng không đã triển khai 60 công trình. Về công tác giải ngân nguồn vốn bảo trì, đến nay đã giải ngân được 13.881 tỷ đồng, đạt 80,37% (chưa tính đến khối lượng thực tế đã và đang thực hiện nghiệm thu chưa thanh toán). Trong đó, lĩnh vực: đường bộ giải ngân được 8.925 tỷ đồng, đạt 85,12%; đường sắt giải ngân được 2.266 tỷ đồng, đạt hơn 75,5%; hàng hải giải ngân được 1.956 tỷ đồng, đạt hơn 69%; đường thủy nội địa thực hiện được 733 tỷ đồng, đạt hơn 76,4%. Riêng đối với lĩnh vực đường bộ, đến ngày 20/11/2022, các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 sang năm nay đã hoàn thành, các dự án thực hiện trong năm 2022 đã thi công được trên 94% khối lượng; đã khắc phục 54 điểm ngập trên quốc lộ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án giao thông trọng điểm.
Tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án giao thông trọng điểm.

Còn tại lĩnh vực đường sắt, các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 sang năm 2022 đã hoàn thành 58/60 dự án. Giá trị đã giải ngân ước khoảng 91% kinh phí của năm 2022. Lĩnh vực đường thủy nội địa đã thực hiện và giải ngân 42 gói thầu quản lý bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia theo hợp đồng. Đã có 9 công trình đã được nạo vét đảm bảo giao thông; Khảo sát định kỳ luồng đường thủy nội địa tổng 56 tuyến với chiều dài gần 3.265 km. Công tác khảo sát sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Lĩnh vực hàng hải, đến nay đã thực hiện nạo vét duy tu 16 tuyến luồng hàng hải và bảo trì 2 kè bảo vệ bờ đảm bảo tiến độ dự án.

Đặc biệt, giải ngân hiệu quả đã góp phần nâng cao công tác an toàn giao thông (ATGT) đối với kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện sửa chữa, khắc phục các tồn tại của hạ tầng đường bộ để tăng cường ATGT, bổ sung hộ lan gần 700 km tôn sóng, tường lốp; xử lý 46 điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT...

Khánh thành và khởi công nhiều dự án trọng điểm

Cũng theo Bộ GTVT, thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành và một số dự án trọng điểm khác.

Đặc biệt, trong đợt kiểm tra vào đầu tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các ban quản lý dự án và các nhà thầu phải quyết tâm hoàn thành, thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) trong năm 2022 theo đúng kế hoạch. Còn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đến ngày 15/11/2022 đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp; đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang thực hiện các thủ lục lựa chọn nhà thầu đối với 12 gói thầu khởi công trong năm 2022.

Đồng loạt khởi công các dự án lớn

Trong tháng 12/2022, mục tiêu đặt ra là tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để khởi công đồng loạt các dự án lớn, gồm: 12 gói thầu của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa vào khai thác dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã và đang được rốt ráo thực hiện.

Trong tháng 12/2022, mục tiêu đặt ra là tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để khởi công đồng loạt các dự án lớn, gồm: 12 gói thầu của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, Dự án CHKQT Long Thành; hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa vào khai thác dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã và đang được rốt ráo thực hiện.

Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc thực địa, kiểm kê tài sản trên đất; đã phê duyệt phương án bồi thường được 1.702/6.006 ha (đạt 28%); giải ngân đạt 2.219/7.194 tỷ đồng vốn bố trí năm 2022 (đạt 31%). Đến hết tháng 11/2022, Bộ GTVT giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm).

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, số liệu giải ngân của toàn ngành GTVT tương đối cao. Mỗi đồng vốn giải ngân của Bộ GTVT có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Cố gắng giải ngân hiệu quả, thực chất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 cũng như nhiệm kỳ 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các các cơ quan đơn vị phải nỗ lực hoàn thành tối đa công việc theo kế hoạch được giao, phát huy vai trò người đứng đầu.