Hiện trái bưởi đã hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh tư liệu |
Nhiều mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng tốt
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản trong tháng 7/2024 đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng 7/2023. Trong đó, nông sản chính 2,62 tỷ USD (tăng 25,2%), lâm sản 1,4 tỷ USD (tăng 15,8%), thủy sản 880 triệu USD (tăng 13,2%), chăn nuôi 47,4 triệu USD (tăng 9,3%). Riêng đầu vào sản xuất đạt 154 triệu USD (giảm 19,9%).
Tính chung 7 tháng năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 34,27 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam; trong đó giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 21,6%, Trung Quốc tăng 11,3% và Nhật Bản tăng 4%...
Đạt kết quả trên do Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, EU; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phát triển thị trường nông sản…
Phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Với đà tăng trưởng từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã nâng một số mục tiêu lên cao hơn so với mức Chính phủ giao từ đầu năm. Cụ thể, nâng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lên 57 - 58 tỷ USD (Chính phủ giao từ đầu năm là 55 tỷ USD). Phấn đấu cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4%, trong đó giá trị trồng trọt tăng 2 - 2,2%; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4 - 5%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,7 - 4%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 5 - 5,5%.
Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp phải chuyển đổi tư duy từ lấy sản lượng sang giá trị gia tăng làm mục tiêu; chuyển đổi tư duy từ tăng sản lượng sang tăng giá trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, điển hình là triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU. Các đơn vị chức năng đang tích cực mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, cơ quan này đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở các nước nhập khẩu để mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Hiện trái bưởi đã hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu sang Hàn Quốc và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ với các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Song song đó, trái chanh leo cũng đang hoàn thiện hồ sơ với thị trường Mỹ và Úc. Đối với thị trường Trung Quốc, các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh và dừa tươi cũng đang hoàn thiện hồ sơ, bên cạnh đó là các sản phẩm bơ và chanh không hạt. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán với Ấn Độ để mở đường xuất khẩu sầu riêng.
Việt Nam chi gần 25 tỷ USD nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản vào Việt Nam trong 7 tháng đạt 24,85 tỷ USD, tăng 8,2%. Trong đó, nông sản 15,27 tỷ USD, tăng 7,6%; sản phẩm chăn nuôi 2,09 tỷ USD, tăng 5,4%; thủy sản 1,44 tỷ USD, giảm 3,8%; lâm sản 1,55 tỷ USD, tăng 20,8%; đầu vào sản xuất 4,48 tỷ USD, tăng 12,3%; muối 21,4 triệu USD, giảm 16,6%. |