Kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng

Tại toạ đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” ngày 29/8, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chủ trì tổ chức, các chuyên gia cho rằng, vai trò các chính sách Nhà nước trong việc tăng cường khả năng phát triển, năng lực cạnh tranh và việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp rất quan trọng trong tình hình mới khi doanh nghiệp đang phục hồi sau dịch Covid-19.

Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nước ta là một quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nhưng chủ thể sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là các hộ gia đình, điều này khiến cho sự phát triển của ngành nông nghiệp thiếu tính đột phá, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (từ năm 2017 - 2022), tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.

Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4,0% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%.

Theo TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, sự phát triển khiêm tốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp.

Hiện nay, chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp nông nghiệp như: hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ về chế biến sản phẩm; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới.

"Lĩnh vực hỗ trợ của chính sách như vậy được xem là khá toàn diện, tuy nhiên tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt; đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn” - ông Hùng nói.

Gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn, tạo quỹ đất cho sản xuất

Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu kém, thể hiện ở các mặt như: các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chậm cập nhật công nghệ sản xuất, chưa chuyên nghiệp quản lý sản xuất và thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế và chưa được mở rộng; sản phẩm còn thiếu đa dạng, chất lượng sản phẩm còn hạn chế…

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Cây sâu riêng có giá trị kinh tế cao được đầu tư phát triển mạnh tại Đắk Nông. Ảnh: TL

Tham luận tại toạ đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cần tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn; tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu; xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ công tác pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp.

Hiện trạng logistics nông sản tại Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, chính sách, đặc biệt là vấn đề thiếu chuỗi cung ứng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu. Về lĩnh vực này, Ths. Nguyễn Thắng Lợi - Trưởng Ban nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm đưa logistics trở thành đòn bẩy cho nông sản Việt.

Đối với cơ quan quản lý, cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho hạ tầng vận tải kết nối đầu nguồn thu hoạch - hạ tầng trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản; tăng cường kết nối hạ tầng logistics nhằm thúc đẩy liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả; có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành này, đặc biệt cold chain logistics (hệ thống chuỗi lạnh).

Theo Ths. Nguyễn Thắng Lợi, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nông sản, cần tăng cường tính chuyên môn hoá, giảm tỉ lệ hao hụt, tổn thất qua việc sử dụng phần lớn các dịch vụ thuê ngoài logistics; tích cực hoạt động trong các hiệp hội doanh nghiệp để tăng tính kết nối; tăng cường tính liên kết mạng lưới chủ hàng trong sử dụng dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế nhờ quy mô, nhờ đó nâng cao giá trị xuất khẩu hàng Việt.