Ngân hàng đồng loạt tuyên bố giảm lãi vay với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Ảnh tư |
Các ngân hàng chia sẻ khó khăn
Thống kê sơ bộ của các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh/thành phố, đã có khoảng 73.000 khách hàng của các ngân hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank) có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng, với số dư nợ ước tính 191.457 tỷ đồng. Trong tình hình này, thời gian qua các ngân hàng đưa ra các thông báo về chương trình giảm lãi vay cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Bão số 3.
Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo Thủ tướng về trích lập dự phòng rủi roTại Nghị quyết 143 /NQ-CP về khắc phục hậu quả bão số 3, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 |
Mới đây, Ngân hàng BIDV cho biết, chương trình hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bão lũ với tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng. Mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng.
Trước đó, nhiều ngân hàng khác cũng có các chương trình riêng về việc giảm lãi suất và giãn hoãn nợ cho khách hàng. Agribank cho biết, có trên 12.600 khách hàng vay bị thiệt hại do Bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng gần 25.000 tỷ đồng, dư nợ thiệt hại dự kiến trên 8.000 tỷ đồng. Căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 – 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả. Ngân hàng này cũng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024, dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng.
Về phía Vietcombank, ngân hàng này cho biết đã cho thống kê thiệt hại, đồng thời đề xuất các bộ phận chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank, ngân hàng này đưa ra chủ trương giảm lãi suất 0,5% đối với các khách hàng bị thiệt hại do bão vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.
Tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh doanh
Các chương trình giảm lãi suất và cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ là một hành động nhân văn của ngành Ngân hàng được xã hội đồng thuận trong bối cảnh đồng bào cả nước đều cùng nhau thực hiện nhiều hành động chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, hành động của ngành Ngân hàng là rất kịp thời, thể hiện khả năng phản ứng nhanh, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai cũng như đẩy nhanh quá trình tái thiết phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên ở góc độ kinh doanh, các ngân hàng cũng có thể đối mặt với những khó khăn không nhỏ trước khả năng lợi nhuận có thể suy giảm. Ông Linh cho biết, điều này là khó tránh khỏi, nhưng các ngân hàng cũng vẫn có thể thực hiện các giải pháp hợp lý để giảm thiểu những ảnh hưởng nêu trên. Chẳng hạn, các ngân hàng có thể phân loại tình trạng của khoản nợ, có khoản có khả năng phục hồi, có khoản không có khả năng phục hồi - từ đó đưa ra các phương án riêng giải quyết cho từng tình trạng nợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang có phương án phối hợp với các công ty bảo hiểm để cùng chia sẻ khó khăn chung, cụ thể, những tài sản của khách hàng bị thiệt hại nhưng có mua bảo hiểm thì có thể làm việc với các công ty bảo hiểm để giải quyết bồi thường.
Ông Lê Duy Hải – Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp của VietinBank bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm, VietinBank sẽ phối hợp đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trong khi đó, Agribank cũng cho biết đang phối hợp với Bảo hiểm ABIC và các đơn vị bảo hiểm khác kịp thời xác định thiệt hại bồi thường cho khách hàng theo quy định. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bảo hiểm ABIC, số tiền bồi thường thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng…
Ngoài các khoản bảo hiểm tài sản thông thường, ông Châu Đình Linh cho biết, ngân hàng khi cho khách hàng vay cũng có thể có các khoản vay có bảo hiểm tín dụng. Theo đó, trường hợp các khoản vay có bảo hiểm tín dụng thì khách hàng sẽ được công ty bảo hiểm đứng ra trả nợ ngân hàng khi họ không may gặp rủi ro mất khả năng thanh toán dư nợ./.