Hà Nội phát huy hiệu quả quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng
Quang cảnh tọa đàm.

Thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình đã nâng cao chất lượng, hiệu quả

Báo cáo tại Tọa đàm “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình khác, trọng tâm công tác giải phóng mặt bằng” do Ban Dân vận Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND TP.Hà Nội tổ chức chiều ngày 24/11, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết, việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra; trong đó có nhiệm vụ phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và góp phần đưa Thủ đô văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trong giai đoạn 2015-2020, công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất phục vụ xây dựng đã góp phần hoàn thành nhiều dự án lớn trên địa bàn Hà Nội như: Đường Nhật Tân - Nội Bài, quốc lộ 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, Nhà ga T2 Cảng hàng không Nội Bài...

Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước xây dựng và triển khai Quy chế dân chủ trong các loại hình khác, đó là: Quy chế dân chủ trong công tác GPMB, quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự đô thị, quy chế dân chủ trong công tác thuế, quy chế dân chủ trong các trường ngoài công lập và quy chế dân chủ trong khối chợ.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình trên ngày càng được nâng cao chất lượng và hiệu quả, thực sự phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Đặc biệt, thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác GPMB đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan và nghĩa vụ của những người trong diện thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người thu hồi đất, giải quyết kịp thời các khiếu nại, kiến nghị của nhân dân, tạo sự đồng thuận, hoàn thành công tác GPMB phục vụ đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng và đô thị của thành phố.

Cũng theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, hiện thành phố đang triển khai danh mục 2.497 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 8.523,9ha; danh mục 717 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 với diện tích 1.256,51ha. Đặc biệt, thành phố đang đẩy mạnh công tác GPMB, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, để công trình khi hoàn thành sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô.

Hà Nội phát huy hiệu quả quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao công tác tổ chức tọa đàm đã lựa chọn chủ đề, vấn đề dân sinh, sát với cuộc sống.

Nhiều kinh nghiệm phát huy dân chủ

Tại cuộc tọa đàm, đại diện Quận ủy Long Biên đã chia sẻ kinh nghiệm phát huy dân chủ trong GPMB và chỉnh trang đô thị; Quận ủy Hoàn Kiếm chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện quy chế dân chủ trong khối chợ trên địa bàn; Quận ủy Cầu Giấy chia sẻ kinh nghiệm thực hiện quy chế dân chủ trong công tác thuế đối với hộ kinh doanh…

Chia sẻ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong công tác GPMB phục vụ các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, xác định đây là dự án rất quan trọng, Huyện ủy và UBND huyện xác định công tác GPMB, bồi thường hỗ trợ tái định cư phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch và đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Huyện đã thành lập ban chỉ đạo và 9 tổ công tác điều tra, khảo sát, đo đạc; tuyên truyền công khai các quy định của pháp luật liên quan đến dự án, về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong việc di chuyển mồ mả, ưu tiên lựa chọn khu vực tái định cư phù hợp với điều kiện địa phương…

“Nhờ bước đầu phát huy tốt quy chế dân chủ nên mặc dù chưa được đền bù GPMB, nhưng đến nay có trên 30% trong tổng số 5.000 ngôi mộ nằm trong phạm vi dự án đã được người dân tự nguyện di chuyển đến nơi mới. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Thường Tín phấn đấu hoàn thành GPMB và bàn giao 70% diện tích dự án vào tháng 7/2023 theo đúng chỉ đạo của Thành ủy” - ông Bùi Công Thản thông tin.

Đánh giá cao công tác tổ chức toạ đàm đã lựa chọn chủ đề, vấn đề dân sinh, sát với cuộc sống, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh: “Liên quan công tác GPMB có rất nhiều câu chuyện, bởi lợi ích của người dân và sự hy sinh của người dân vì sự phát triển của Thủ đô. Sắp tới, nhiệm vụ của Hà Nội vô cùng nặng nề khi triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, trong phát triển đô thị, phát triển giao thông, Hà Nội sẽ có nhiều tuyến giao thông trọng điểm, phát triển giao thông ngầm, đụng chạm đến lợi ích người dân trong công tác GPMB…” - ông Lê Hồng Sơn nói.

Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Sơn, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn thành phố thời gian qua đã được thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và thái độ phục vụ nhân dân, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thành phố.

Tọa đàm “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình khác, trọng tâm công tác giải phóng mặt bằng” diễn ra trong bối cảnh thành phố đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khoá XVI đối với danh mục 2.497 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 8.523,9ha; danh mục 717 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 với diện tích 1.256,51ha; thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 13/9/2022 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP. Hà Nội.