Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025

Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng khá

Tính riêng trong tháng 3/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội ước tính tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính với mức tăng trưởng lần lượt là 6,5% và 5,3%. Các ngành khác cũng có sự tăng trưởng đáng ghi nhận trong tháng 3 so với tháng 2/2025 như sản xuất và phân phối điện (4,7%), cung cấp nước và xử lý rác, nước thải (9,9%) và khai khoáng (0,5%).

Đáng chú ý, hoạt động tiêu thụ sản phẩm trong toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.

Chỉ số tiêu thụ trong tháng 3/2025 đã tăng 12,4% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trong quý I/2025, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2024. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng mạnh mẽ bao gồm sản xuất máy móc, thiết bị (59,1%), sản xuất kim loại (32,5%), sản xuất trang phục (10,3%), sản xuất da (9,8%) và sản xuất xe có động cơ (7,0%). Ngược lại, một số ngành như sản xuất phương tiện vận tải, giấy, sản xuất thuốc, hóa dược và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn lại có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ.

Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – trụ cột của nền kinh tế - đã tăng trưởng 4,4%. Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện cũng có mức tăng trưởng ấn tượng là 4,8%, ngành cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,2%. Tuy nhiên, ngành khai khoáng lại ghi nhận sự sụt giảm 5,4%.

Hà Nội sản xuất công nghiệp khởi sắc

Trong khi đó, nhiều ngành trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã đạt được mức tăng trưởng khá cao so với quý I/2024, như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng trưởng ấn tượng 44,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 15,5%; dệt tăng 14,2%...

Về lực lượng lao động, ước tính đến cuối tháng 3/2025, các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội đã có sự tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung quý I/2025, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một số ngành ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ, bao gồm: Sản xuất thiết bị điện (giảm 7,3%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 7,2%), in, sao chụp bản ghi (giảm 3,6%)...

Những kết quả trên là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Sản xuất công nghiệp sẽ phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ

Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên, từ đó gia tăng mức đóng góp vào GRDP.

Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, TP. Hà Nội phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố. UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp trên.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng triển khai chính sách về lãi suất tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên... tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng...

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô tăng mạnh cho thấy đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều đó có nghĩa, muốn đạt tăng trưởng kinh tế cao, sản xuất công nghiệp sẽ phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp, ngành thành phố cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

Thành phố nên tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang xây dựng các tổ hợp nhà máy ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành hạ tầng…

Hà Nội sản xuất công nghiệp khởi sắc
Hà Nội sản xuất công nghiệp khởi sắc. Ảnh: TL

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, Hà Nội sẽ lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Thành phố tiếp tục kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước… Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất hướng đến việc thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Hà Nội cần đánh giá lại thực trạng sản xuất các sản phẩm công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu; tháo gỡ vướng mắc, rào cản và cung cấp các hỗ trợ cần thiết để khai thác tối đa năng lực sản xuất, để công nghiệp chế tác, chế tạo có được tăng trưởng cao nhất có thể (phải trên 8%).