Hà Nội

Toàn cảnh hội nghị Ảnh: Bùi Tư

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị gặp gỡ giữa UBND thành phố Hà Nội và cộng đồng DN khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 25/8. Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đông đảo DN khởi nghiệp trên địa bàn.

Hà Nội đảm nhận vai trò “bà đỡ “cho DN khởi nghiệp

Giải đáp thắc mắc của DN tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội cam kết thực hiện nghiêm túc ý kiến của Quốc hội nhằm xây dựng hệ thống DN vững mạnh. Hà Nội vừa đăng ký với Quốc hội đến năm 2020 sẽ có thêm 200 nghìn DN, để hoàn thành mục tiêu này, thành phố đang xây dựng Đề án hỗ trợ DN.

Qua tìm hiểu ở Hà Nội và sự trưởng thành của các DN khởi nghiệp các nước Mỹ, Irael, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc…., Hà Nội đang xây dựng những bước đi ban đầu thiết lập Hệ sinh thái khởi nghiệp bài bản. Thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án khởi nghiệp, nhưng Đề án chưa được thông qua. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư dự án phải tách rời, xây dựng đề án cho DN vừa và nhỏ riêng, xây dựng đề án cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN riêng.

Hiện nay, Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội. Đây là sân chơi để mọi người tham gia, tự nhập dữ liệu của mình. Thông qua Cổng thông tin, startup có thể tìm kiếm nguồn nhân lực, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực startup muốn tìm hiểu, liên hệ phòng thí nghiệm, tìm hiểu những thủ tục hành chính, tìm kiếm quỹ đầu tư mạo hiểm cả ở trong nước và ngoài nước.

“Cổng thông tin có sống được hay không chính là tùy thuộc vào các bạn có nhập dữ liệu hay không”, ông Chung nhấn mạnh.

Thành phố sẽ có cơ chế đảm bảo cho Cổng thông tin phát triển bền vững, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho Cổng thông tin từ 3-5 năm đầu, sau đó sẽ giao cho một DN quản lý.

Qua buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP kêu gọi DN trên địa bàn xây dựng các trung tâm khởi nghiệp, tạo điều kiện cho những cá nhân có ý tưởng sáng tạo tham gia Hệ thống sinh thái khởi nghiệp. Thành phố chỉ tham gia với vai trò phối hợp, làm “bà đỡ”. Qua đây, ông Chung cũng nêu lên thực trạng, có những đơn vị đã được giao vốn để thành lập Hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng hết vốn là hết Hệ sinh thái khởi nghiệp. Vì vậy, thành phố chỉ tạo ra sân chơi chứ không hỗ trợ toàn bộ.

DN khởi nghiệp cần có ý chí

Ông Chung cho biết, Hà Nội vừa thành lập trung tâm hỗ trợ cho DN khởi nghiệp tại Sở Thông tin và Truyền thông. Hiện nay đã có 12 DN khởi nghiệp đang hoạt động tại trung tâm. Thành phố Hà Nội đang phối hợp cùng VPBank đầu tư trung tâm khởi nghiệp có diện tích 2000m2. Dự kiến trung tâm này sẽ khánh thành vào ngày 10/10 tới, cùng ngày khánh thành Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội.

Trung tâm sẽ tổ chức các buổi hội thảo, diễn thuyết, chia sẻ kinh nghiệm của các DN khởi nghiệp trên thế giới, qua đó giúp cá nhân khởi nghiệp có cơ hội trao đổi, hoàn thiện ý tưởng, gặp gỡ nhà đầu tư…Các buổi trao đổi này hoàn toàn miễn phí. Thành phố sẽ thành lập nhóm chuyên gia để xem xét các ý tưởng đáp ứng đủ điều kiện mới cho phép tham gia vào trung tâm.

Liên quan đến câu hỏi của DN về việc nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư cho DN khởi nghiệp tại Việt Nam, khi có được lợi nhuận thì nhà đầu tư nước ngoài phải làm nhiều thủ tục rắc rối, phí rút tiền cao, ông Chung trả lời, thành phố sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, đề xuất quan điểm của thành phố để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ về nguồn đào tạo nhân lực, đào tạo cho các CEO. Qua Cổng thông tin, mọi người có thể đăng ký để tổ chức các lớp đào tạo.

Ông Chung cũng cho biết, dự kiến đến hết năm 2017 Hà Nội sẽ thực hiện đăng ký thành lập DN hoàn toàn qua mạng. Hiện nay, thành phố đã thực hiện được 70%. Thành phố sẽ làm việc với các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ để có những chính sách, tiêu chí, điều kiện giúp cho DN khởi nghiệp hưởng ưu đãi về thủ tục hành chính, thuế… Với chính sách hiện nay, những DN công nghệ thông tin, DN công nghệ cao, nếu được Bộ Khoa học Công nghệ công nhận, cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi. Sắp tới, tất cả những thông tin này sẽ được công khai trên mạng để DN dễ dàng tra cứu.

Trả lời câu hỏi của DN về các lĩnh vực Hà Nội ưu tiên, ông Chung cho biết, lĩnh vực mạnh nhất của thành phố là công nghệ thông tin. Hiện nay, Hà Nội đang có 2 trung tâm công nghệ thông tin tại Cầu Giấy và Long Biên. Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng thê trung tâm công nghệ thông tin ở đường Võ Nguyên Giáp. Tất cả ý tưởng của cá nhân, DN khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đều được quan tâm, xem xét, hỗ trợ. Ngoài ra, thành phố còn quan tâm đến công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ giải quyết ô nhiêm môi trường, nguồn nước, hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Theo ông Chung, DN khởi nghiệp tại Việt Nam còn phát triển tản mạn. Thành phố Hà Nội sẽ đóng vai trò tập trung DN khởi nghiệp, tạo ra sân chơi bình đẳng cho DN.

Ông Chung cho biết thêm, tuy Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đi sau các nước, nhưng nếu có bước đi đột phá, tập hợp các startup vào chung một sân chơi, được hỗ trợ nhanh chóng thì startup Việt sẽ giành thắng lợi. Hà Nội rất quan tâm, tạo sân chơi, điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp.

Chủ tịch thành phố nhắn nhủ với các DN khởi nghiệp, theo thống kê, tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp chỉ từ 5-7%, vì vậy, mỗi người cần có ý chí, phải đưa ý tưởng ra thị trường, nếu chỉ để trưng bày cho vui thì không thành công. Ý tưởng phải có ích cho xã hội, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ý tưởng khởi nghiệp gặp gỡ nhà đầu tư tài chính, nhà sản xuất, ra sản phẩm đưa ra thị trường thì mới thành công./.

Bùi Tư