Hà Nội: Tạo đột phá trong chiến lược phát triển văn hóa
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 25/5, Ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 06/CTr-TU) tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện chương trình trong thời gian qua.

Nhiều chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa

Trong 2 năm qua (2021 - 2022), TP. Hà Nội đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy.

Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục xác định một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực thiết kế sáng tạo với nền tảng là văn hóa và sáng tạo, một xu thế tất yếu của thời đại.

TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học có chất lượng, sức lan tỏa cao và tổ chức, tham gia 50 sự kiện quy mô quốc tế tại TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; Đại hội thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X; Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022)...

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa được thành phố quan tâm, đẩy mạnh, bám sát yêu cầu thực tiễn, đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề.

Nổi bật như Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 về Quy định mức tiền thưởng đối với giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; lĩnh vực thể thao quần chúng do các cấp thành phố, khu vực, toàn quốc tổ chức và chế độ đối với vận động viên khi tham gia các giải đấu thể thao quần chúng; Nghị quyết xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với nghệ sỹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa...

Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Kết quả học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.

Hà Nội: Tạo đột phá trong chiến lược phát triển văn hóa
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Tạo ra diện mạo văn hóa mới cho Thủ đô

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề thực hiện Chương trình 06-CTr/TU đến nay vẫn còn 9 nội dung đang tiếp tục triển khai. Tiến độ triển khai một số dự án chậm so với kế hoạch đề ra như: Bảo tàng Hà Nội; xây dựng thêm 7 trường liên cấp (Tiểu học, THCS, THPT) có diện tích tối thiểu 5ha và có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất các sáng kiến, giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại chương trình.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, với sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt, sự vào vào cuộc đồng bộ của các đơn vị của Hà Nội trong thực hiện 06-CTr/TU đã tạo ra diện mạo văn hóa mới cho Thủ đô.

Các nội dung trong chương trình rất rõ nhưng cần chú trọng hơn về mặt thể chế. Thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô, vì vậy Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở về văn hóa để biến thành công cụ pháp luật, các điều luật để nhằm huy động được các nguồn lực phát triển cho lĩnh vực văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến...

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay, thời gian tới, cần tiếp tục tạo nên thay đổi toàn diện về nhận thức trong vấn đề văn hóa, con người. Theo đó, Ban chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. Đồng thời tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở, với việc tham mưu cho Thành ủy ban hành một chỉ thị về xây dựng văn hóa con người Hà Nội.

Chương trình cần quan tâm thực chất, hiệu quả đến chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có 3 nhóm vấn đề về giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức các cấp. Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành theo chương trình, đề án được phân công, tiếp tục rà soát, đánh giá, cần có giải pháp cụ thể đối với chương trình 06/CTr-TU.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Hà Nội tiếp tục lan tỏa tiêu chí về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo Chương trình 06-CTr/TU lan tỏa đến từng khu phố để nhân dân cùng tham gia xây dựng. Đồng thời, mong muốn Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở văn hóa để tiếp tục huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là khi Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hóa và kho tàng về tri thức.