Hà Nội tập trung phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại. Ảnh: Q.Trí

91 kiến nghị liên quan đến nông nghiệp, nông thôn

Tại buổi đối thoại với Bí thư Thành ủy, hội viên nông dân Thủ đô đã tổng hợp 91 kiến nghị, chia thành 6 nhóm gửi tới Bí thư Thành ủy và lãnh đạo thành phố.

Phát biểu trực tiếp tại hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoà Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà và bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Rau an toàn Cuối Quý, huyện Đan Phượng đều kiến nghị, hiện nay, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi quy mô lớn đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng hợp đồng thuê đất 5% công ích chỉ được 5 năm, nên các doanh nghiệp ngại đầu tư.

Bên cạnh đó, việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất cũng khó khăn, chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền cần là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để thực hiện tập hợp được diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, tránh việc bỏ đất hoang hóa, lãng phí.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã giao Hội Nông dân thành phố chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025” để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện để giúp cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm triển khai 157ha đã được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, ông Nghiêm Quang Vinh - hội viên nông dân xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên cho rằng, ngoài chính sách về đất đai thì thành phố cần có chính sách cụ thể, rõ ràng về chế độ, nguồn kinh phí đầu tư để hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, nông dân.

Ngoài ra, trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản của Phú Xuyên, 2/3 số xã thuộc miền Tây của huyện đang sử dụng nguồn nước sông Nhuệ, nhưng hiện đang bị ô nhiễm nặng, đề nghị thành phố có giải pháp để xử lý nguồn nước ô nhiễm tại sông Nhuệ.

Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Chu Xuân Cừ nêu kiến nghị, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn huyện trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa có đầu ra ổn định, còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá và thương lái ép giá, gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân.

Vì vậy, thành phố cần tiếp tục thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản hàng hoá; phối hợp với Hội Nông dân triển khai tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn của nông dân Thủ đô tại thành phố và các địa phương.

Một số ý kiến khác đề nghị thành phố cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn vành đai xanh, nhất là đối với các huyện ven đô (như Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng) đang có tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do bị thu hồi nhiều.

Hà Nội tập trung phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Q.Trí

Tập trung xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng biểu dương ngành nông nghiệp Hà Nội trong những năm gần đây, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19, song, vẫn duy trì phát triển; công tác xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu lớn. Khu vực nông thôn Hà Nội có bước chuyển mình và phát triển rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn thực sự được đổi mới, ngày càng văn minh, hiện đại; thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao…

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị và đề xuất của đại biểu nông dân Thủ đô tại hội nghị, đồng thời, để triển khai những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp của trung ương và thành phố, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần tập trung thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên các tầng lớp nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tham gia xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp...

Về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành phố chủ động và tích cực tham mưu hướng dẫn thực hiện, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách hiện hành của thành phố; rà soát các quy định, cơ chế chính sách của trung ương và thành phố; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để các cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã QR, thực hiện chương trình mỗi xã một sản sản phẩm...

“Những năm qua, HĐND Thành phố đã cùng với UBND thành phố nghiên cứu, xây dựng và ban hành 6 nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tuy nhiên, người nông dân được trực tiếp hưởng thụ chính sách chưa lớn. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng cho các cơ chế chính sách này, nhưng chủ yếu giải ngân cho công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương. Thời gian tới, HĐND thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố rà soát lại các chính sách để hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao hỗ trợ cho “tam nông” một cách thực chất, trực tiếp và hiệu quả” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nói.