Hà Nội tháo gỡ nút thắt, giải phóng nguồn lực đầu tư công
Nguồn: UBND TP. Hà Nội. Đồ họa: Văn Chung

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của TP. Hà Nội là 87.130 tỷ đồng với 282 dự án được cấp vốn đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó 233 dự án chuyển tiếp, 49 dự án xây mới. Có 84 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay, trong đó 76 dự án chuyển tiếp và 8 dự án mới.

Tháo gỡ các điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND "về đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Thủ đô". Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%…

Với nguồn vốn lớn, cao gấp 1,13 lần so với năm 2024, cùng nhiều dự án trọng điểm phải hoàn thành ngay trong năm nay nên ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố đã chú trọng, quyết liệt, sát sao chỉ đạo để thúc đẩy kế hoạch giải ngân đầu tư công.

Theo đó, lãnh đạo thành phố ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 25/2/2025 giao nhiệm vụ chi tiết cho các đơn vị; tổ chức giao ban xây dựng cơ bản toàn thành phố, nhiều buổi giao ban chuyên đề; định kỳ giao ban tuần đối với các dự án quan trọng, lắng nghe, tháo gỡ từng khó khăn cho nhiều dự án.

Không những vậy, thành phố chỉ đạo "phân luồng xanh" các dự án đầu tư công quan trọng, cụ thể là rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ của 10 dự án công trình trọng điểm trong vòng 24 giờ, đảm bảo không chậm trễ, không quá hạn. Đồng thời, thành phố cũng ban hành Chỉ thị số 03, quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95%.

Các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đang gấp rút thi công khẩn trương, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra. Điển hình, sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 14,2% kế hoạch vốn. Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đến nay đã giải ngân 50,8% kế hoạch vốn; Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP. Hà Nội đã giải ngân 36,3% kế hoạch…

Mới đây, lãnh đạo TP. Hà Nội đã “chốt” thời gian khởi công xây dựng nhiều công trình, dự án quan trọng quốc gia, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025, như: Khởi công đường Vành đai 4, cầu Tứ Liên vào dịp 19/5; Dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, khởi công trong quý II/2025…

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng tính đến ngày 24/3, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới đạt hơn 5.052 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng thừa nhận, kết quả giải ngân đầu tư công như trên là chưa cao, vướng mắc lớn nhất do công tác giải phóng mặt bằng, chủ yếu ở khâu xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Đây là một trong những nút thắt lớn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, còn có một số dự án khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, biến động giá nguyên liệu...

Giao quận, huyện làm chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng

Như vậy có thể thấy, tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ rất quan trọng trong thúc đẩy kế hoạch đầu tư công năm 2025. Đối với nhiệm vụ này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Sở Tài chính đã tham mưu UBND thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ.

Đồng thời, các quy định tại Luật Thủ đô 2024, Luật Đầu tư công 2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng như: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm, gồm cả các dự án nhóm B, nhóm C (không chỉ gồm dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A như theo Luật Đầu tư công 2019). TP. Hà Nội đã thực hiện việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập ở một số dự án và giao cho các quận, huyện làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng.

Cùng với việc tham mưu về giải phóng mặt bằng, thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND thành phố tiếp tục thực hiện các cơ chế thanh toán linh hoạt, như: Chuẩn bị đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố tập trung quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, như các cầu qua sông Hồng (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi); Đường nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm TP. Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị số 5…

Trước quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị Thủ đô, mới đây tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tin tưởng thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2025 ở mức cao nhất, đạt trên 95% như đã cam kết.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội quyết tâm hơn nữa và cần phải giải ngân vốn đầu tư công hết 100% kế hoạch vốn. Đối với những khó khăn, vướng mắc của Hà Nội trong triển khai đầu tư công, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu, giải đáp đầy đủ kiến nghị của TP. Hà Nội, đề xuất cấp có thẩm quyền trên tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương chủ động trong điều hành, bố trí ngân sách thực hiện các dự án trọng điểm theo kế hoạch tiến độ, nhu cầu vốn./.