Hà Nội thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP. Hà Nội đến ngày 15/11/2024 là hơn 37.066 tỷ đồng. Ảnh tư liệu

174 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kế hoạch đầu tư công trung ương giao cho TP. Hà Nội là hơn 77 nghìn tỷ đồng. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của toàn thành phố đến ngày 15/11/2024 là hơn 37.066 tỷ đồng, đạt 48,1% kế hoạch. Về giá trị tuyệt đối, kết quả giải ngân này cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên so với mặt bằng chung cả nước còn chậm.

Bên cạnh một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao như: Quận Đống Đa đạt 246,1% kế hoạch; quận Ba Đình đạt 173,6% kế hoạch, Viện Quy hoạch xây dựng đạt 96,2% kế hoạch, Ban Dân dụng đạt 50,1% kế hoạch.., còn có 7/54 đơn vị chưa có kết quả giải ngân; 20/54 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của thành phố.

Theo báo cáo của các đơn vị, đến thời điểm ngày 15/11 có 174 dự án (101 dự án cấp thành phố, 73 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ) được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 báo cáo có khó khăn vướng mắc, trong đó nhiều dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB).

Trong số 101 dự án cấp thành phố, có 77/101 dự án vướng mắc về GPMB, dự kiến 42/77 dự án vướng mắc khó khăn GPMB không giải ngân hết số vốn là 2.840 tỷ đồng; đối với các dự án sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu, có 73 dự án báo cáo khó khăn, vướng mắc về GPMB, dự kiến 17/73 dự án vướng mắc GPMB không giải ngân hết số vốn là 173 tỷ đồng.

TP. Hà Nội cũng nhận định, với kết quả giải ngân hiện nay, áp lực về khối lượng công việc và số vốn phải giải ngân trong tháng cuối năm là rất lớn. Đến hết năm 2024, kế hoạch vốn cần phải giải ngân là 39.937 tỷ đồng, tương đương 51,9% kế hoạch.

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị đã giải ngân tốt tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả thực hiện. Với các đơn vị giải ngân chậm phải khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Lên kế hoạch từng tuần, từng tháng

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu, từng chủ đầu tư phải nỗ lực, quyết tâm cho việc giải ngân kế hoạch vốn cuối năm; khắc phục các khó khăn, vướng mắc chủ yếu là công tác GPMB; trọng tâm vào các dự án dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao; các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, dự án lớn, dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, yêu cầu từng dự án xây dựng kế hoạch triển khai, giải ngân theo từng tuần, từng tháng để kịp thời đôn đốc các nhà thầu, đơn vị có liên quan.

Một số đơn vị còn phải giải ngân với số vốn lớn như Ban Dân dụng 2.493 tỷ đồng, tương đương 50% kế hoạch; Ban Đường sắt 1.689 tỷ đồng, tương đương 46,8% kế hoạch; các huyện Đông Anh 3.285 tỷ đồng, tương đương 43% kế hoạch; Đan Phượng 2.748 tỷ đồng, tương đương 74,7% kế hoạch... cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ mục tiêu.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường giao ban, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB đối với cả dự án cấp huyện và dự án cấp thành phố do các Ban Quản lý dự án của thành phố làm chủ đầu tư. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế thi công - dự toán, tổ chức đấu thầu, khởi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân kế hoạch vốn đã giao và sớm đưa dự án vào triển khai.

Lãnh đạo TP. Hà Nội giao Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội hướng dẫn kho bạc cấp huyện, các chủ đầu tư và chịu trách nhiệm kiểm soát giải ngân đối với vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024, vốn trung ương trong nước, vốn xổ số kiến thiết Thủ đô năm 2024 trước khi giải ngân các nguồn vốn khác trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 và kiểm soát chặt chẽ giải ngân đối với vốn ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu, kế hoạch hỗ trợ mục tiêu của thành phố cho các huyện, thị xã bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí, mức vốn hỗ trợ trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thời gian qua Hà Nội đã chủ động và nỗ lực liên tục trong công tác giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên công tác giải ngân vẫn chưa đạt như mong muốn do có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là GPMB và hồ sơ, thủ tục liên quan đến khởi công dự án gặp khó khăn. Hơn nữa, TP. Hà Nội là địa phương được giao nhiều vốn đầu tư công nên áp lực rất lớn. Luật Đất đai 2024 có hiệu từ ngày 1/8/2024, với những quy định trong luật, một bộ phận người dân nằm trong diện phải GPMB hy vọng giá đền bù đất sẽ cao hơn nên chần chừ trong việc bàn giao mặt bằng để chờ áp dụng giá mới. Đó cũng là thực tế cần xem xét, đồng thời tìm cách giải quyết, tránh ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, Hà Nội cần có cách làm phù hợp với sự quyết tâm rất lớn.

Quyết liệt tháo gỡ từ công tác giải phóng mặt bằng

UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường của các dự án, gồm cả các dự án cấp thành phố và các dự án cấp huyện; Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư, thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất tái định cư, đánh giá tác động môi trường, giải quyết các khó khăn về giải phóng mặt bằng, phương án tái định cư…