Nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lớn

Thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 15 dự án sử dụng nguồn vốn ODA đang thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ nước ngoài là hơn 5.700 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án được thực hiện nghiêm túc theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước và thông lệ quốc tế.

Trong đó, một số dự án đang triển khai có nguồn vốn lớn như: dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh thuộc dự án BIIG2 (gần 1.379 tỷ đồng); dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Kỳ Anh, vay vốn WB (hơn 1.239 tỷ đồng); dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Hà Tĩnh (hơn 479 tỷ đồng); dự án thành phần sửa chữa và nâng cao an toàn đập, tỉnh Hà Tĩnh - WB8 (hơn 484 tỷ đồng); dự án cải thiện cơ sở hạ tầng các xã bị ảnh hưởng bởi ngập lụt tỉnh Hà Tĩnh (gần 668 tỷ đồng)…

Nhiều dự án sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.

Hiệu quả tích cực cụ thể từ các dự án

Đơn cử, dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tiểu dự án tỉnh Hà Tĩnh” được thực hiện trên 22 xã/phường/thị trấn thuộc 11 huyện/ thành phố/thị xã của Hà Tĩnh. Đây là dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng mức đầu tư hơn 20 triệu USD (trong đó vốn WB là 18 triệu USD). Tỉnh Hà Tĩnh được Trung ương cấp, phát 100% vốn. Dự án được thực hiện từ năm 2017, hoàn thành xây dựng năm 2021.

Kết thúc dự án, có 8 cầu được cải tạo, 1,2 km kênh được tái thiết, 14,12 km đê kè và 28,13 km đường được sửa chữa. Tổng số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án là 208.110, cao hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu.

Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi với 337 tỷ đồng của WB, dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) triển khai từ năm 2017 - 2021 đã hoàn thành xây dựng 72 cầu dân sinh; cải tạo, khôi phục 16 tuyến đường với tổng chiều dài 73,5 km (dự kiến ban đầu là 15 tuyến đường, 68,9 km). Trong đó, hợp phần cầu được triển khai tại 10 đơn vị cấp huyện (trừ TP. Hà Tĩnh, TX. Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân) và hợp phần đường triển khai tại 9 huyện (trừ TP. Hà Tĩnh, TX. Kỳ Anh, TX. Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân).

Ông Trần Văn Sử - Trưởng phòng Quản lý dự án và quản lý bảo trì, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho hay, dự án đến nay đã hoàn thành và có tác động đến hầu hết các huyện, thành, thị trên địa bàn Hà Tĩnh. Đặc biệt, với cách làm mới, các đối tác yêu cầu địa phương phải chi kinh phí thường xuyên và xây dựng kế hoạch nhằm bảo trì, bảo dưỡng các công trình hằng năm. Điều khoản này đã góp phần thay đổi cách thức điều hành, bố trí nguồn vốn sửa chữa công trình thường xuyên.

Đồng thời Hà Tĩnh sẽ xây dựng chiến lược để sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn này, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội.

Nguồn vốn ODA có chiều hướng giảm dần

Theo ông Phan Thành Biển - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, thời gian tới, nguồn vốn ODA có chiều hướng giảm dần. Do đó, Hà Tĩnh sẽ tích cực tiếp cận, xúc tiến, vận động để tìm kiếm các dự án hỗ trợ giá rẻ. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực mới, những lĩnh vực mà địa phương đang thiếu kinh nghiệm, tri thức như: kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh…