Dùng vốn huy động của các ngân hàng

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức phát “hiệu lệnh” triển khai gói cho vay ưu đãi với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tính đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022.
Tính đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022.

Cụ thể, NHNN đã có văn bản hướng dẫn đối với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) xác định rõ các nội dung cụ thể của gói tín dụng. Trong đó, nguyên tắc cho vay: Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật. Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn của chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được vay vốn của chương trình này 1 lần.

Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120 nghìn tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm và đối người mua nhà là 5 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng tham gia chương trình. Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.

Theo ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc NHNN, chương trình này được thực hiện bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại; qua đó thể hiện tinh thần chia sẻ của ngành Ngân hàng đối với các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực; cũng như góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ. “Các đối tượng liên quan đến chương trình cho vay này có thể liên hệ với các ngân hàng để triển khai thủ tục vay, theo quy định của pháp luật” - ông Hà thông tin thêm.

Kỳ vọng cộng hưởng cùng gói 40 nghìn tỷ đồng

Đồng thời với việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, NHNN cũng tăng cường đôn đốc với các ngân hàng thương mại để thúc đẩy gói cho vay hỗ trợ 2% lãi suất, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; giúp khách hàng hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại.

Một số nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện gói 120 nghìn tỷ đồng

Ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay thuộc chương trình này theo quy định của pháp luật...

Theo đó, việc 2 chương trình ưu đãi lãi suất lớn cũng được “thổi nhiệt” mạnh hiện nay kỳ vọng sẽ giúp cho dòng vốn tín dụng được bơm nhiều hơn vào nền kinh tế, sau một giai đoạn tăng trưởng khá chậm chạp đầu năm 2023.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó với tốc độ này, tăng trưởng tín dụng mới đạt khá thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sau quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I/2023 theo đó chỉ cao hơn so với mức 1,26% của năm 2021 (là năm diễn ra dịch Covid-19) và thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của năm 2022.

Về tình hình chung hiện nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng chậm vào quý I cũng là thông lệ, do rơi vào giai đoạn tết. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang chậm lại; đã có tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn đơn hàng, tồn kho vẫn còn nhiều, sản xuất kinh doanh chậm lại… nên họ cũng giảm nhu cầu vay.

Ngoài tác động của các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, động thái giảm lãi suất diễn ra thời gian qua cũng là yếu tố có thể hỗ trợ việc ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay tốt hơn. Cụ thể, sau khi NHNN công bố điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Đây cũng là động thái nằm trong kịch bản chung trong mục tiêu điều tiết thị trường tiền tệ bởi NHNN thời gian qua liên tục phát đi các thông điệp khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.