Thứ trưởng Cao Anh Tuấn: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác Ngành Tài chính từng bước đem lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp Đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu khi xây dựng chính sách hải quan
Hoàn thuế tinh bột sắn: Phải đảm bảo có nộp thì mới có hoàn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn (thứ ba từ phải sang) và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng (thứ hai từ phải sang) trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp.

Không chỉ là câu chuyện đúng hay sai

Dư luận thời gian qua có nhắc nhiều tới câu chuyện các nhà xuất khẩu tinh bột sắn xuất hàng sang Trung Quốc nhưng lại không được hoàn thuế GTGT.

Khi được gọi tên, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt An đã phát biểu ghi nhận sự ưu việt của chính sách hoàn thuế GTGT, một chính sách có ý nghĩa lớn đối với nông dân nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.

Ngay sau đó, lãnh đạo Việt An đã phản ánh vướng mắc liên quan đến xử lý thủ tục hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn. Chuyện là doanh nghiệp (DN) này xuất khẩu tinh bột sắn, lãnh đạo DN cho biết đã được cơ quan điều tra xác nhận là không có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng vẫn chưa được cơ quan thuế cho hoàn thuế GTGT số sản phẩm này.

Theo quy định, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản trực tiếp người nông dân trồng trọt sản xuất đưa ra thị trường thì không chịu thuế GTGT, các khâu thương mại cũng không phải chịu thuế GTGT. Trường hợp các sản phẩm nông nghiệp nêu trên được các cơ sở sản xuất, chế biến thành sản phẩm tinh chế để bán thì các cơ sở sản xuất, chế biến trực tiếp XK được hưởng thuế suất GTGT XK là 0% (thuế GTGT đầu vào phát sinh của các phụ liệu phụ trợ chiếm tỷ lệ thấp); các cơ sở sản xuất, chế biến sau khi chế biến thành sản phẩm tinh chế nêu trên bán lại cho DN nội địa để kinh doanh XK thì sẽ chịu thuế suất GTGT 10%.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Phạm Vũ Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng nêu: Vừa qua, để tránh gian lận hoàn thuế, Tổng cục Thuế có chỉ đạo xác minh đối tác, khách hàng phía đối tác Trung Quốc, dẫn đến một số DN chưa được hoàn thuế, gặp khó khăn.

Trả lời trực tiếp vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, mặt hàng tinh bột sắn, nông lâm thủy sản luôn được Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, để sản xuất được sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu phải trải qua rất nhiều khâu, từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến khâu chế biến.

Hàng năm, thường kỳ Tổng cục Thuế thực hiện việc rà soát để chống gian lận hoàn thuế GTGT. Ông Hùng dẫn chiếu số liệu năm 2019, khi rà soát công tác chống gian lận hoàn thuế, cơ quan thuế đã phát hiện 1 DN tại Phú Thọ hoàn thuế sai quy định.

Sau đó, Tổng cục Thuế đã có những văn bản xác định và yêu cầu các đơn vị thuế địa phương rà soát, xác minh các DN có giao dịch. Qua xác minh, thông tin từ các DN nước ngoài trả lời cho thấy, không có giao dịch, không có thương mại với DN trong nước.

“Công văn của Tổng cục Thuế đã chỉ rõ những DN nước ngoài mà cơ quan thuế nước ngoài trả lời không có giao dịch với DN Việt Nam thì đề nghị các cục thuế địa phương rà soát, phân tích làm rõ, đánh giá rủi ro để cảnh báo cho DN Việt Nam đang thực hiện giao dịch với các DN nước ngoài, chứ không chỉ là câu chuyện đúng hay sai...” - lãnh đạo Tổng cục Thuế nêu.

Hoàn thuế tinh bột sắn: Phải đảm bảo có nộp thì mới có hoàn
Để sản xuất được sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu phải trải qua rất nhiều khâu, từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến khâu chế biến.

Cần nhiều thời gian xác định chính xác nguồn gốc

Theo ghi nhận của TBTCVN, khi phát sinh sự việc, Tổng cục Thuế có phối hợp, đối thoại 2 lần với Hiệp hội Sắn Việt Nam và cũng đã thống nhất giữa cơ quan thuế, DN cùng nhau rà soát, chỉnh sửa chính sách.

Qua các lần đối thoại, các bên đã thống nhất rà soát lại, xác định dấu hiệu và chuyển hồ sơ một số DN cho cơ quan điều tra phân định giúp đúng sai. Nếu kết quả xác minh đúng và DN đủ điều kiện được hoàn, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương chủ động hoàn theo đúng quy định.

Sau cuộc đối thoại, Tổng cục Thuế sẽ yêu cầu các cục thuế địa phương trao đổi với các chi cục thuế có các DN đang hoạt động để công tác hoàn thuế diễn ra nhanh nhất đúng quy định.

Hoàn thuế tinh bột sắn: Phải đảm bảo có nộp thì mới có hoàn
Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng, không có chuyện Tổng cục Thuế chỉ đạo không hoàn như DN nêu. Vì cơ quan thuế không có chức năng điều tra, không thể xác định được bên DN thế nào, hàng hóa ở đâu, F1, F2, F3, F4 ra sao. Cơ quan thuế luôn chia sẻ những khó khăn với DN, chứ không phải như phản ánh của Hiệp hội Sắn Việt Nam là gạt hồ sơ sang một bên.

Trao đổi với cán bộ thuế địa phương bên lề hội nghị, phóng viên ghi nhận được cái khó từ phía cơ quan thuế. Cụ thể, các DN rất ít làm trực tiếp chế biến mà đều thu mua lại qua nhiều khâu, cho nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc trong quá trình hoàn thuế, kể cả việc xuất khẩu.

Đặc biệt, khi cơ quan quản lý nước ngoài, DN nước ngoài phía đối tác trả lời là các giao dịch không tồn tại thì cơ quan quản lý của Việt Nam càng cần nhiều thời gian hơn để xác minh.

Bổ sung thêm với giải đáp của lãnh đạo ngành Thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho hay, thời gian qua, đã có 90% DN được cơ quan thuế làm thủ tục hoàn thuế, chỉ có 10% các DN còn vướng mắc liên quan đến hồ sơ, quy trình xác minh...

“Một DN khó khăn thì cơ quan quản lý cũng vẫn có trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không ai được phép làm sai quy định của pháp luật. Trong đó, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT chỉ rất rõ có 2 loại: hoàn trước kiểm sau và kiểm trước hoàn sau. Do đó, khi phát hiện có rủi ro thì hệ thống sẽ tự nhảy sang quy trình kiểm trước hoàn sau, nên không có chuyện cứ hoàn đi rồi chúng tôi chịu trách nhiệm được” - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, chính sách của Nhà nước là nhất quán, song nếu chuỗi sản xuất kinh doanh của DN có những yếu tố “vòng vèo” thì cần phải đánh giá, nhận định sát.

Ở góc độ pháp lý, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn mong muốn: DN chia sẻ với cơ quan quản lý về việc thực hiện các quy định của pháp luật. Nếu làm sai thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Công chức vừa được giao nhiệm vụ thực hiện, giám sát tuân thủ pháp luật, vừa là tạo thuận lợi cho DN và tạo sự bình đẳng giữa các DN. Bên cạnh đó, Hiệp hội là tổ chức, đầu mối đại diện bảo vệ quyền lợi cho DN, nhưng cũng nên phối hợp, hợp tác với cơ quan quản lý để đấu tranh với những trường hợp làm sai./.