Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Để văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Hội nghị Văn hóa toàn quốc – Bài trừ “rác văn hóa”, xây dựng con người mới
Chiến sĩ cảnh sát giao thông giúp đỡ người dân tham gia giao thông - những hành động đẹp như thế này cần được nhân rộng và lan tỏa. Ảnh: TL

Mong sớm quét sạch “rác văn hóa”

Rác thải nếu không được xử lý ảnh hưởng đến môi trường như thế nào thật dễ nhận ra. Còn “rác văn hóa” nếu thẩm thấu vào trong não bộ, nó điều kiển ý thức hành động lệch lạc, sự nguy hại còn lớn bội phần.

Các cụ ngày xưa dạy con cháu: “Học ăn học nói, học gói học mở”, đi đứng nói cười, hành động đều có những khuôn mẫu. Cuộc sống hiện đại với việc phản đối các khuôn mẫu, khích lệ sự bứt phá, sáng tạo cũng đồng thời có mặt trái khi một số người "bứt phá", gây ra những sự vụ chẳng giống ai mà cũng chẳng ai thương nổi. Điều này có thể thấy từ cách nghĩ, cách ăn mặc, phát ngôn, hành động ứng xử với đồng nghiệp bạn bè, với người trên, hay thậm chí với cả ông bà tổ tiên, với các đấng tôn nghiêm mà chính họ thờ phụng.

Nhiều năm qua, dư luận đã lên tiếng về việc đốt nhiều vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, phản ánh về nạn đặt tiền lẻ khắp nơi khi đi chùa, cũng như một số chùa đặt quá nhiều hòm công đức…, đã góp phần điều chỉnh hành vi.

Tuy nhiên, những hành vi thiếu văn hóa diễn ra trong đời sống vẫn còn rất nhiều, giống như rác quét được thì ít, vứt ra thì nhiều, nên việc nhận diện những gì là “rác”, ai “vứt rác” và phân định trách nhiệm “dọn rác” là của những ai rất cần phải làm rõ.

Một trong những lý do khiến “rác văn hóa” vẫn rất nhiều là bởi, trước đây có một số người “xả rác” do sự quá vô tư, thiếu ý thức, nhưng nay còn có nhiều người “xả rác” một cách cố ý, có mục đích rõ ràng, trong đó có mục đích “xả rác ra, thu tiền về”.

Chẳng hạn như nhiều người livestream, đăng tải các video độc hại lên mạng, thu hút người xem rồi kiếm bộn tiền; hoặc đăng các quảng cáo lừa đảo người tiêu dùng, dù biết rõ tác hại của nó vẫn thái độ “sống chết mặc bay”… “Xả rác” ra xã hội đã trở thành nghề kiếm cơm, thậm chí làm giàu của nhiều người. Ngay cả một số cơ quan báo chí, xuất bản cũng có khi lọc chưa sạch, để lại “rác” trong những đứa con tinh thần của mình.

Giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới

Đảng ta xác định xây dựng, hoàn thiện các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế...

Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam được coi trọng, là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Những thứ “rác văn hóa” đó vẫn đang hàng ngày, hàng giờ gây nhiễm độc xã hội. Cơ quan quản lý văn hóa thì căng mình ra để cố gắng thanh lọc, nhưng có vẻ như “rác” xả ra nhiều mà “cây chổi” thì chưa có phép thần thông. Do đó, người dân đang rất mong chờ các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu thanh lọc, định hướng, lập lại trật tự để xã hội sạch các loại “rác văn hóa” này.

Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới

Để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người Việt Nam phát triển toàn diện là một yêu cầu cấp thiết đặt ra. Nhận thức rõ điều này, một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Cụ thể, trong Văn kiện Đại hội đã yêu cầu nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Bàn về nội dung này, các chuyên gia cho rằng: Xác định hệ giá trị là câu hỏi lớn, không thể một sớm một chiều. Trong lúc ấy, rất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, sự gương mẫu trong cán bộ đảng viên và phát huy vai trò của giới văn sĩ trí thức.

Đúng như vậy, văn sĩ trí thức ngày nay có vai trò to lớn trong việc định hướng, dẫn dắt công chúng, nên người làm văn hóa phải tự trau dồi đạo đức, có lối sống nhân văn, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho xã hội mới được xã hội tôn vinh.

Trong công tác xây dựng Đảng, văn hóa càng phải được chú trọng. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng viên gương mẫu mới tạo được niềm tin trong nhân dân – niềm tin ấy có giá trị vô cùng to lớn. Nếu như ngược lại, đảng viên có lối sống xa hoa, thiếu văn hóa, tham nhũng, tiêu cực… sẽ khiến cho quần chúng mất niềm tin vào Đảng, vào chính quyền.

Trên thực tế, phạm trù “văn hóa” và “đạo đức” có sự gần gũi và giao thoa. Bác Hồ từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Với vai trò tiên phong, trong thời gian tới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần phải được tiếp tục triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên để tạo niềm tin, những biểu tượng đẹp, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Lần đầu tiên, sức mạnh mềm của văn hóa được chú trọng

Lần đầu tiên, thuật ngữ “sức mạnh mềm”, chủ trương “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII – điều này cho ta tin tưởng vào những đổi mới và chuyển biến thực chất sẽ đến sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc – hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết của Đại hội XIII về văn hóa.