Diễn đàn M&A năm nay có chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, được tổ chức trong bối cảnh thị trường M&A đang có phần hạ nhiệt, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh. Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023 thị trường M&A Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Đỗ Doãn |
Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn. Riêng thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á cũng cho thấy sự ổn định, nhưng tổng số vốn IPO huy động chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4%. |
Còn theo số liệu từ Deloitte (tính đến ngày 15/11/2023), các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO từ đầu năm đến nay, giảm so với mức 7,6 tỷ USD huy động được từ 163 thương vụ IPO trong cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ niêm yết IPO huy động được khoảng 7 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2023.
Các chuyên gia tài chính, diễn giả chia sẻ cơ hội M&A tại thị trường Việt Nam. Ảnh Đỗ Doãn |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dẫn báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global phát hành hôm 15/11/2023 cho rằng, hoạt động M&A toàn cầu dù chững lại trong gần như suốt năm 2023 nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới.
‘‘Việc FED dừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, sẽ thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới. Còn trong nước, thị trường đầu tư Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh…’’ – Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Diễn đàn M&A Việt nam 2023 thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh Đỗ Doãn |
Tại diễn đàn, các chuyên gia tài chính, nhà kinh tế đã cùng thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, với 2 phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề nóng gồm: “Sức bật mới cho thị trường M&A” và “Cộng hưởng sức mạnh”. Các chuyên gia đều có quan điểm cho rằng, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024.
Trong bối cảnh như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tiến hành hoạt động M&A. Thị trường vì thế được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính. Một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm khó khăn được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.
Công bố báo cáo Thị trường M&A Việt Nam Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, ban tổ chức đã công bố báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A. Báo cáo được viết bằng ngôn ngữ Việt - Anh với mong muốn cung cấp cho công chúng một cái nhìn thực tiễn, toàn diện về thị trường M&A tại Việt Nam và sự liên kết của thị trường với bức tranh tổng thể về nền kinh tế, thương mại, pháp luật và xã hội. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chia sẻ góc nhìn thực tiễn và khuyến nghị dành cho các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý điều hành, quản lý quỹ, quản lý chính sách, luật sư, nhà nghiên cứu và nhân sự làm về M&A. Báo cáo do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty Tư vấn thương vụ ASART thực hiện. |